TS Bùi Hải Đăng, chuyên nghiên cứu các vấn đề châu Âu, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Làn sóng khủng bố tràn vào châu Âu không chỉ đe dọa những giá trị chung mà các quốc gia, dân tộc châu Âu theo đuổi, nhất là kể từ sau Thế chiến thứ II và còn đang góp phần làm khó khăn thêm, phức tạp thêm tình hình châu Âu hiện nay”.
Sự trả thù cay độc
. Phóng viên: Trước khi vụ đánh bom diễn ra, truyền thông phương Tây cho hay đội tuyển Đức nhận được thông tin khủng bố và đã tiến hành thay đổi khách sạn nơi đội tuyển định ở lại (trước trận đấu giao hữu với Pháp). Tuy nhiên, khủng bố vẫn xảy ra ác liệt khiến thương vong rất cao. Theo ông, tại sao lại như vậy?
+ TS Bùi Hải Đăng: Theo tôi, vụ việc này cho thấy: Một là phía khủng bố đã có sự chuẩn bị và lên kế hoạch rất chu đáo. Nhìn vào các địa điểm xảy ra khủng bố, chúng ta thấy đây là một kế hoạch có đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng;
Hai là việc kiểm soát an ninh của Pháp hiện nay đang có vấn đề vì lỏng lẻo trong việc quản lý người nhập cư và thực trạng “Hồi giáo hóa” gần đây ở Pháp. Với những sự kiện lớn và quan trọng như hòa nhạc, bóng đá… có sự tham dự của nhiều người ở các quốc gia châu Âu vốn đòi hỏi và thực tế từ trước đến giờ luôn có sự kiểm soát an ninh rất chặt chẽ.
. Tính đến lúc này đã có ít nhất ba lần Pháp bị tấn công quy mô lớn, sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015 và vụ bắt cóc con tin tại Paris hồi tháng 7-2015. Theo ông, tại sao xu hướng khủng bố lại tràn vào Pháp trong khi ở các nước châu Âu khác tình hình ổn định hơn nhiều?
+ Khủng bố diễn ra ở Pháp có nhiều nguyên nhân với sự đan xen tương đối phức tạp. Ngoài nguyên nhân là vấn đề kiểm soát an ninh của Pháp như đã nêu ở trên, có nhiều nguồn tin cho rằng rất có thể đây ra sự “trả thù” vì Pháp can thiệp quá sâu, tích cực và “nhiệt tình” vào chiến trường Syria và Iraq trong chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cũng cần lưu ý thêm rằng kể từ khi triển khai chiến dịch chống IS, Pháp đã thực hiện tổng cộng 1.285 chiến dịch tấn công trên không, không kích 271 lần, phá hủy 459 mục tiêu ở Iraq. Vì thế theo tôi, “tại sao mục tiêu khủng bố lại là Pháp” là một câu hỏi thú vị bởi chúng ta đều biết các quốc gia thành viên EU tăng cường và chủ yếu kiểm soát đường biên giới chung (với các quốc gia bên ngoài EU) mà không/nới lỏng kiểm soát biên giới nội khối. Pháp cũng là quốc gia có dòng chảy vũ khí xuyên biên giới ở châu Âu, đặc biệt là súng ống từ nhiều quốc gia đổ về.
. Theo ông, có mối liên hệ nào giữa làn sóng di cư lịch sử từ Syria và Trung Đông sang châu Âu khoảng một vài tháng trở lại đây với vụ khủng bố lần này tại Pháp?
+ Giới chính trị gia gần đây chỉ trích chính quyền Pháp trong việc nới lỏng quản lý dân nhập cư. Và thực tế, vấn đề “Hồi giáo hóa” hiện đang tồn tại ở nước này (Pháp là một trong những quốc gia có đông cư dân Hồi giáo nhất châu Âu - PV) nên mối liên hệ giữa làn sóng di cư từ Syria và Trung Đông sang các nước châu Âu thời gian vừa qua với vụ khủng bố là hoàn toàn khả dĩ. Nếu xâu chuỗi sự kiện lại với nhau thì giả thuyết khủng bố liên quan vấn đề di dân càng thuyết phục. Hồi tháng 9-2015, truyền thông quốc tế tiết lộ khoảng 4.000 tay súng cực đoan thuộc IS đã “đội lốt” người dân tị nạn để xâm nhập châu Âu và chờ đợi thời cơ tấn công.
Ảnh trên: Từ Berlin, người dân hướng về Paris. Ảnh dưới: Hoa và nến tưởng niệm.
Sức ép đè lên vai ông François Hollande
. Phải hứng chịu liên tiếp các đợt khủng bố, chính quyền Pháp liệu sẽ phải đứng trước những thách thức nào về quản lý nhà nước (kinh tế, văn hóa-xã hội, tâm lý người dân...), cũng như về vấn đề cầm quyền của Tổng thống François Hollande trong những ngày tới?
+ Nghe bài phát biểu của Tổng thống Pháp François Hollande ngay sau vụ việc, chúng ta sẽ thấy tính chất và sức ép lớn như thế nào đối với lãnh đạo, giới cầm quyền Pháp. Tổng thống trấn an và kêu gọi người dân phải bình tĩnh, đoàn kết để đủ mạnh mẽ chống khủng bố. Nhưng trong lúc này, tôi nghĩ chính ông François Hollande cũng phải hết sức sáng suốt để giải quyết.
Về mặt tâm lý, theo tôi không chỉ với người dân Pháp mà với người dân trên toàn thế giới đều trong trạng thái hoang mang, hoảng sợ vì sự kinh hoàng về quy mô cũng như mức độ tàn ác của hàng loạt hành động khủng bố lần này. Tổng thống Obama phát biểu ngay sau vụ việc rằng đây không chỉ là sự tấn công vào Paris hay Pháp mà là sự tấn công vào toàn nhân loại và những giá trị phổ quát của con người.
Chính phủ pháp cũng đã đưa ra quyết định đóng đường biên giới. Tất nhiên, Pháp sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, du lịch… Ngay trước mắt là các hãng hàng không, cụ thể là American Airlines đã hủy các chuyến bay đến Paris; nhiều trụ sở cơ quan, công sở nằm trong khu vực diễn ra khủng bố cũng đã phải đóng cửa; cũng có tin cho rằng một số phần tử khủng bố vẫn còn lẩn trốn. Trong bối cảnh và tình hình chính trị hiện tại của Pháp, nếu không xử lý khéo vụ việc này, vấn đề cầm quyền hiện tại rất có thể bị đe dọa.
Một “châu Âu mới” sau khủng bố Paris
. Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ khủng bố tràn sang các nước châu Âu hiện nay và thời gian tới?
+ Theo tôi, khả năng nguy cơ khủng bố tràn sang các nước khác không phải là không có nhưng không cao bởi vì không chỉ Pháp và các quốc gia khác cũng sẽ gia tăng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, khủng bố và các hành động khủng bố luôn có những nguyên nhân khác phía sau và các mối đe dọa từ IS sẽ vẫn còn tiếp diễn. Các biện pháp kiểm soát hiệu quả những người di cư từ Syria và Trung Đông qua châu Âu trong thời gian vừa qua ở các nước cũng sẽ góp phần hạn chế các mối đe dọa.
Khi đường biên giới nội khối châu Âu được nới lỏng thì có lẽ chính sách quản lý người nhập cư ở các quốc gia thành viên lại càng trở nên quan trọng. Khủng bố vẫn thường chọn những mắt xích yếu nhất để tấn công, nhất là ở các địa điểm có sự kiểm soát an ninh lỏng lẻo. Khi vấn đề trở nên quá nghiêm trọng sau đợt khủng bố hàng loạt này, các quốc gia châu Âu chắc chắn sẽ tiến hành hàng loạt biện pháp khác nhau để ngăn chặn, trong đó sẽ có thái độ khác với chính sách nhập cư và tiếp nhận người di dân.
+ Các giá trị châu Âu, như hòa bình, thịnh vượng đang bị ảnh hưởng ra sao trước làn sóng khủng bố tràn vào châu Âu, chưa kể đến các vấn đề phát triển kinh tế nội khối?
+ Làn sóng khủng bố tràn vào châu Âu không chỉ đe dọa những giá trị chung mà các quốc gia, dân tộc châu Âu theo đuổi, nhất là kể từ sau Thế chiến thứ II và còn đang góp phần làm khó khăn thêm, phức tạp thêm tình hình châu Âu hiện nay khi vấn đề nợ công, khủng hoảng Hy Lạp và nguy cơ Anh muốn rút khỏi EU vẫn còn đấy. Theo tôi, rất có thể sẽ có một “châu Âu mới” (với nhiều cải cách và thay đổi trong phối hợp kiểm soát an ninh chung) sau khủng bố lần này.
. Xin cám ơn ông.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã kịch liệt lên án “cuộc tấn công khủng bố hèn hạ” ở Paris. Ông Ban Ki Moon “tin rằng các cơ quan chức năng của Pháp sẽ làm mọi việc trong khả năng để nhanh chóng đưa những kẻ thủ ác ra công lý”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Đây không chỉ là một cuộc tấn công lên người dân nước Pháp. Đây còn là một cuộc tấn công lên toàn thể nhân loại và tất cả giá trị toàn cầu mà chúng ta cùng chia sẻ. Chúng tôi sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để phối hợp với nhân dân Pháp và các quốc gia trên thế giới, cùng đưa những tên khủng bố này ra trước công lý và truy lùng bất kỳ mạng lưới khủng bố nào dám đe dọa đến nhân dân các nước chúng ta”.
Tổng thống Nga Putin cũng đã lên án chuỗi tấn công khủng bố tại Paris là “hành vi man rợ” và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến người dân nước Pháp. Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov cũng thông báo chính quyền Nga sẵn sàng hỗ trợ đưa những kẻ chịu trách nhiệm cuộc tấn công ra trước công lý.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đăng chia sẻ lên Twitter cá nhân: “Tôi rất sốc trước những sự việc diễn ra tại Paris đêm nay. Chúng tôi xin gửi sự chia sẻ cảm thông và những lời cầu nguyện đến nhân dân nước Pháp. Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để giúp đỡ”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cá nhân bà bị “chấn động mạnh khi xem tin tức và hình ảnh truyền về từ Paris” và bà sẽ cầu nguyện cho những nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố.
__________________________________
Pháp khiến "thánh chiến" suy yếu từ năm 2013
Tờ Telegraph nhận định lý do khủng bố tấn công Pháp vì nước này hiện đang chiến đấu chống các chiến binh "thánh chiến" trên phạm vi toàn thế giới. Mới tuần trước, Tổng thống François Hollande tuyên bố Pháp sẽ triển khai tàu sân bay ở vịnh Ba Tư để hỗ trợ cuộc chiến chống IS, thách thức lãnh đạo các nhóm thánh chiến. Nước Pháp hiện vẫn rất tự hào vì họ luôn trong tư thế chống lại thế giới Hồi giáo cực đoan khủng bố, đặc biệt là khi cả Mỹ và Anh dường như có những dấu hiệu giảm nhiệt trong chiến dịch truy quét IS. Pháp can thiệp tại Mali, chống al-Qaeda, bắt và xử nhiều lãnh đạo thánh chiến, triệt phá nhiều căn cứ quan trọng của IS. Kể từ năm 2013, quốc gia này được xem là nguyên nhân chính khiến các nhóm "thánh chiến" suy yếu. Hiện có hơn 10.000 quân Pháp được triển khai ở nước ngoài, trong đó có hơn 3.000 lính ở Tây Phi, 2.000 ở miền Trung châu Phi và 3.200 ở Iraq.
Theo PLTP