Thị giá TCB cứ lên như “diều gặp gió”. Ảnh: N.K |
Từ đầu tháng 10-2020 đến nay, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) luôn giao dịch với khối lượng thường trực lớn, khớp lệnh lên tới hàng chục triệu đơn vị/ngày. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, tổng khối lượng khớp còn tầm cỡ hơn.
Chỉ riêng trong tháng 10, thị trường được chứng kiến sáu phiên TCB có giá trị giao dịch thỏa thuận hàng trăm tỉ đồng/ngày, tổng cộng trên 1.500 tỉ đồng. Không có cổ phiếu nào thời gian qua đủ sức cạnh tranh với TCB về khối lượng giao dịch trong ngày, trong tuần và trong tháng.
Đường dài mới biết ngựa hay
Techcombank lên sàn tháng 6-2018 và đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức 102.400 đồng/cổ phiếu. Đấy là mức giá mà gần như không một nhà đầu tư nào còn dám “mơ tưởng” sau đợt “gãy vụn” của cổ phiếu ngân hàng năm 2008. Tuy nhiên nó vẫn xảy ra.
Đáng nói hơn, trước khi niêm yết, Techcombank đã có một đợt phát hành cho các đối tác nước ngoài với mức giá 143.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 47.666 đồng/cổ phiếu sau chia thưởng cổ phiếu. Các đối tác nước ngoài tham gia đợt phát hành này (hoặc đã cắt lỗ hoặc vẫn còn đang nắm giữ) sau đó đều ghi nhận sự thua lỗ 40-50% cho phi vụ đầu tư vào TCB.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, cuối tháng 3-2020 thị giá TCB về sát 15.000 đồng/cổ phiếu. Nửa năm sau, TCB giao dịch không có gì nổi bật, lên xuống theo thị trường chung và chỉ thực sự bùng nổ lên quanh 24.000-25.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 10. Nhiều nhà quan sát đã ngỡ ngàng khi nhìn TCB biến động như vậy, bởi với 3,57 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, bất kỳ sự thăng trầm nào của TCB cũng đều cần khối lượng tiền rất lớn mua vào bán ra.
TCB sẽ mãi chỉ là cổ phiếu “lặng sóng” nếu nó không lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư F0. Trong khi các nhà đầu tư thế hệ cũ (tạm gọi “nhà đầu tư truyền thống”), những người đã trải qua cuộc khủng hoảng 2008 và đi qua một thập kỷ thoái trào của chứng khoán, nhìn TCB với ánh mắt thận trọng, thì thế hệ nhà đầu tư F0 thiên về đặt TCB trong bối cảnh hiện tại.
Một nhà đầu tư truyền thống nhưng đã nhanh chóng hội nhập với xu hướng đầu tư F0 nhận xét phải đánh giá cổ phiếu ngân hàng trong tiến trình 10 năm để thấy “đường dài mới biết ngựa hay”. Đồ thị biến động giá cổ phiếu chỉ ra trong một thập kỷ qua, cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 560%; Ngân hàng Quân đội (MBB) tăng 350%; VietinBank (CTG) và ACB tăng hơn 300%, chỉ Sacombank (STB) gần như không tăng.
Câu chuyện còn lại của TCB nằm ở việc liệu các nhà đầu tư F0 sẵn sàng và trường kỳ rót tiền vào cổ phiếu này và liệu hành động của họ có thu hút được các nhà đầu tư cũ tham gia?
Cổ phiếu TCB của Techcombank suốt năm 2016 giao dịch trên thị trường OTC trong vùng 10.000-15.000 đồng. Thậm chí đầu năm 2017, trước thềm họp đại hội đồng cổ đông thường niên, giới đầu tư vẫn còn mua bán TCB với giá đâu đó 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu.
Bất ngờ từ sau đại hội đồng cổ đông thường niên, thị giá TCB cứ lên như “diều gặp gió”. So với giá hiện nay, trong vòng bốn năm 2017-2020, giá TCB tăng mạnh. Các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu TCB năm 2017, bây giờ bán ra mức nào cũng có lời.
Xung đột quan điểm đầu tư đi về đâu?
VN-Index từ đáy tháng 3 do dịch Covid-19 đến ngày 2-11-2020 tăng 44%. Cùng thời gian trên TCB tăng 40%, vẫn thấp hơn sự phục hồi của VN-Index, nằm trong tình trạng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Với các nhà đầu tư F0, cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp. Chỉ một phần nhà đầu tư truyền thống chia sẻ quan điểm này.
Techcombank, theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2020, vào cuối tháng 9-2020 có tổng tài sản 401.461 tỉ đồng; dư nợ 228.668 tỉ đồng; huy động 252.572 tỉ đồng; tỷ lệ cho vay/huy động 90,5%, cao hơn mức quy định chung của ngành. Nếu tính cả phát hành giấy tờ có giá trị giá 22.789 tỉ đồng thì tỷ lệ cho vay/huy động tụt xuống 83%. Techcombank hiện có 29.500 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối và giá trị sổ sách của Techcombank xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, ở trang 31, Techcombank có 54.445 tỉ đồng trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành. Phần thuyết minh tuy không nói rõ, nhưng có thể hiểu ngân hàng đang nắm giữ số trái phiếu doanh nghiệp trị giá nói trên. Theo quy định, trái phiếu doanh nghiệp cũng được tính vào tín dụng của các ngân hàng.
Điều này đồng nghĩa tổng dư nợ tín dụng của Techcombank trên tổng nguồn huy động khá cao. Có ý kiến cho rằng mua trái phiếu của các tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận trái phiếu của các tổ chức kinh tế có độ rủi ro cao hơn hẳn cho vay thông thường dù là cho vay cá nhân hay doanh nghiệp.
Ngoài ra, ở phần “các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán hợp nhất” trong mục “nghĩa vụ nợ tiềm ẩn” có “các cam kết khác” lên tới 136.225 tỉ đồng, nhưng không có thuyết minh cụ thể là các cam kết gì.
Trên nền báo cáo tài chính này, Techcombank công bố lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm đạt 10.711 tỉ đồng. Quy mô tổng thể của Techcombank chưa thể so sánh với các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh, song lợi nhuận của Techcombank lại đang cao hơn VietinBank, BIDV và dẫn đầu khối tổ chức tín dụng cổ phần.
Những nhà đầu tư F0 có lẽ không thật sự hiểu hết ngọn ngành thăng trầm của hoạt động ngân hàng hơn 10 năm qua, nhất là của từng ngân hàng để so sánh. Cái mà họ nhìn thấy trước mắt là một Techcombank tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức cao, một ngân hàng có cơ cấu lợi nhuận mảng dịch vụ nên được ghi nhận.
Dường như các nhà đầu tư F0 ưa thích những cổ phiếu có ban lãnh đạo năng nổ, bươn chải để có bằng được lợi nhuận chứ không chỉ đơn thuần chống chọi thành công với thử thách của môi trường kinh doanh bị biến đổi vì dịch bệnh.
Câu chuyện còn lại của Techcombank nằm ở việc liệu các nhà đầu tư F0 sẵn sàng và trường kỳ rót tiền vào cổ phiếu này và liệu hành động của họ có thu hút được các nhà đầu tư cũ tham gia? Trong xu hướng phục hồi của chứng khoán, chính các nhà đầu tư truyền thống đã đi theo thế hệ F0 sau một thời gian thận trọng đứng ngoài quan sát thị trường mà không phải ngược lại.
Sự xung đột về quan điểm đầu tư sẽ bị lu mờ nếu thị trường vẫn tiến về phía trước. Tiền rẻ vẫn đang ngập thị trường cả trong và ngoài nước và đang là chất xúc tác cho nhà đầu tư F0. Cuộc chơi của cổ phiếu TCB, vì thế, sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Techcombank lãi ròng 8.600 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm
Theo TheSaiGonTimes