Chốt phiên giao dịch Thứ Năm (ngày 26/05), giá vàng giao tháng Sáu trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile giảm tiếp $3,40 (-0,3%) xuống đóng cửa ở $1.222,40/oz; khoét đáy kể từ ngày 4/4. Dù rằng, trong đầu phiên, USD giảm và giá vàng tăng sau khi số liệu cho thấy số đơn hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ trong tháng 4 tăng mạnh.
Trong khi, giá bạc giao Tháng Bảy lại tăng 8,2 cents (+0,5%) lên đứng ở $16,343/oz.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 11h32’ trưa nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đã rơi xuống chỉ còn $1.217,64/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.217,60/oz.
Về diễn biến thị trường, giá vàng phiên 26/5 mất đà tăng có được trong đầu phiên khi USD hồi phục sau bình luận chủ chiến của Thống đốc Fed.
Lãi suất của thể “tăng khá sớm” nếu số liệu khẳng định rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và thị trường lao động thắt chặt, Thống đốc Fed Jerome Powell - quan chức có quyền bỏ phiếu trong ủy ban thiết lập lãi suất của Fed - phát biểu.
Đồn đoán Mỹ tăng lãi suất đã tạo sức ép lên giá kim loại quý vì nó làm tăng nhu cầu với bạc xanh cũng như chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng.
Chuyên gia của trang The 7:00’s Report cho rằng các triển vọng cơ bản không đổi khi khả năng Fed tăng lãi suất vào mùa hè gia tăng, đẩy đồng USD leo dốc. Nếu kịch bản này xảy ra, giá vàng khó có thể quay lại mốc 1.300USD/oz.
Tuy nhiên trong ngắn hạn giá vàng có thể phá mốc chủ chốt gần 1.220USD/oz trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen vào thứ Sáu.
Triển vọng nâng lãi suất - được phát tín hiệu trong biên bản họp Fed tháng 4, công bố tuần trước, - và USD mạnh lên đã khiến giá vàng giảm hơn 5,5% kể từ đầu tháng 5, hướng đến tháng giảm giá lớn nhất kể từ tháng 11/2015.
Tại châu Á, nhập khẩu vàng của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới - từ Hong Kong trong tháng 4 giảm so với mức đỉnh 3 tháng trong tháng 3, theo số liệu công bố hôm thứ Năm 26/5.
Trong một dữ liệu liên quan, trữ lượng vàng trong SPDR – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đả giảm 0,4%, trong khi trữ lượng quỹ tín thác bạc iShares Silver Trust lại tăng khẽ 0,1%.
Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.
Còn tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Sáu ngày 27/05), giá vàng SJC tiếp tục trôi sâu.
Cụ thể, đến thời điểm 12h23’ trưa nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 33,18 - 33,41 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 90 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh lùi 80 nghìn đồng chiều mua và 90 nghìn đồng chiều bán xuống yết ở 33,30 – 33,37 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 70 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 33,30 – 33,36 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 33,01 – 33,46 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đối theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 400 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T