Gia tài của giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu đã có một gia tài nghiên cứu khá lớn, anh là tác giả của 130 công trình khoa học.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho ông Nguyễn Văn Hiếu.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho ông Nguyễn Văn Hiếu.

“Đất nước cần những trí thức trẻ dám cống hiến, dám hy sinh cho khoa học như GS Hiếu” - thầy cô và đồng nghiệp đã nói như vậy về giáo sư trẻ nhất năm 2015 Nguyễn Văn Hiếu.

Từ chối nhiều cơ hội để về giúp đất nước

PGS.TS Đinh Văn Hải, giảng viên Viện Khoa học Vật liệu - một đồng nghiệp với tân GS. Nguyễn Văn Hiếu đã nói với chúng tôi về người bạn mà anh và các đồng nghiệp khác ngưỡng mộ: “Chúng tôi vẫn gọi anh Hiếu là giáo sư từ trước khi Nhà nước chính thức phong tặng chức danh giáo sư vì những thành tựu khoa học mà anh đã đạt được trong nhiều năm qua”.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu từng là sinh viên khoa Hóa, ĐH Tổng hợp Huế, học cao học ở Viện Khoa học Vật liệu - Trung tâm quốc tế đào tạo về Khoa học vật liệu ĐH Bách khoa, rồi làm nghiên cứu sinh tại khoa Kỹ thuật Điện tử, ĐH Twente, Hà Lan. Năm 2004, TS. Nguyễn Văn Hiếu đã rất phân vân trước sự lựa chọn về nước hay ở lại nước ngoài vì thời điểm đó anh có rất nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn lớn như Philips.

Quyết định về nước của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu một phần do câu nói của người thầy hướng dẫn luận án TS: “Việt Nam là đất nước còn nhiều khó khăn, những người có năng lực như anh nên về nước. Dù một cá nhân chẳng đóng góp được gì nhiều nhưng nhiều người giỏi sẽ giúp đất nước phát triển”. Trăn trở trước câu nói của người thầy, 2 tuần sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Hiếu quyết định trở về trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm công tác giảng dạy.

Nghiên cứu khoa học bằng… cuốc, xẻng

Ba năm đầu khi mới về nước, TS. Nguyễn Văn Hiếu đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, với đồng lương eo hẹp không đủ sống, anh phải vừa đi dạy, vừa làm nghiên cứu, vừa đi làm thêm cho các công ty bên ngoài. Thấy việc học của mình chưa đủ, anh quyết định đi học POSTDOC (là vị trí nghiên cứu mà yêu cầu người tham dự phải là tiến sĩ, và thường là trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp) ở Hàn Quốc. Năm 2007 trở về, Nguyễn Văn Hiếu được phong hàm phó giáo sư và được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu.

Năm năm đầu sau khi về nước vì không xin được đề tài nghiên cứu nào, cũng có lúc Nguyễn Văn Hiếu cảm thấy nản, nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học lúc nào cũng thôi thúc khiến anh quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm từ hai bàn tay trắng, bởi có phòng thí nghiệm mới có thể bắt tay vào nghiên cứu khoa học.

Do ít tiền nên trang thiết bị cũng chỉ dám mua những loại vừa phải, tận dụng tất cả những gì có thể từ bạn bè và tự tay lắp ráp thiết bị cho đỡ chi phí. Một người thầy của anh ở Hàn Quốc sang Việt Nam công tác đến thăm anh, chứng kiến anh làm thí nghiệm trong điều kiện khó khăn, khi về nước đã mua gửi tặng Hiếu một thiết bị nghiên cứu trị giá 20 nghìn USD.

Năm 2009, Quỹ Công nghệ quốc gia ra đời, Nguyễn Văn Hiếu xin được đề tài và với đề tài này, anh bắt đầu tập hợp nghiên cứu viên, xây dựng phòng thí nghiệm để triển khai các hoạt động nghiên cứu cho dù phòng thí nghiệm do anh tự xây dựng thiếu kinh phí nên rất thô sơ. Thô sơ tới mức các đồng nghiệp của anh vẫn đùa với nhau là “chúng mình nghiên cứu khoa học bằng cuốc và xẻng”.

Vậy mà với trí tuệ và niềm đam mê, từ chính căn phòng thí nghiệm này, Hiếu và các cộng sự đã cho ra đời rất nhiều nghiên cứu cơ bản có giá trị, trong đó 1 đề tài cấp Nhà nước có tính ứng dụng cao do anh làm chủ nhiệm là “Phát triển các loại cảm biến trên cơ sở dây nano phục vụ quan trắc môi trường”. Nhóm của anh tập trung nghiên cứu các loại vật liệu linh kiện điện tử cho các bộ nhớ, bộ vi xử lý, làm các đề tài về cảm biến trên cơ sở dây nano bằng các loại vật liệu khác nhau để trợ giúp cho việc quan trắc môi trường.

"Đừng đòi hỏi quá nhiều vào Nhà nước, bản thân mỗi nhà khoa học phải nỗ lực, phải cố gắng rồi sẽ được ghi nhận." 

GS Nguyễn Văn Hiếu

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Nguyễn Văn Hiếu đã có một gia tài nghiên cứu khá lớn, anh là tác giả của 130 công trình khoa học, những nghiên cứu của anh được công bố trên nhiều trên tạp chí quốc tế được xếp hạng ISI. Anh có 85 bài đăng trên tạp chí quốc tế chuyên về KH vật liệu, về cảm biến nano với tổng 1.400 lượt trích dẫn.

Quan trọng nhất là trong số những công bố của anh có 22 bài được trên 22 lần trích dẫn, đây mới thực sự là con số có giá trị vì các công trình nghiên cứu ở những nước kém phát triển như Việt Nam thường chỉ số trích dẫn rất thấp, tính riêng trong ngành vật lý chỉ có 3 - 4 nhà khoa học Việt Nam có số trích dẫn.

Nguyễn Văn Hiếu là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu chế tạo linh kiện điện tử và cảm biến trên cơ sở dây nano ô-xít kim loại bán dẫn, nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí và sinh học trên cơ sở vật liệu có cấu trúc nano kết hợp với công nghệ vi cơ điện tử. Năm 2010 anh đã được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả NCKH xuất sắc năm 2010 của Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia.

“Phải nỗ lực chứ đừng đòi hỏi”

Cũng như nhiều nhà khoa học trẻ khác, Nguyễn Văn Hiếu cũng bị giằng xé bởi việc nên tập trung nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng hay đi vào nghiên cứu cơ bản, và làm thế nào để kết quả nghiên cứu của mình có thể giúp các doanh nghiệp triển khai ứng dụng vào thực tiễn tạo sự bền vững.

Trăn trở với những đề tài nghiên cứu, bận rộn với việc lo toan cho phòng thí nghiệm nên dù có rất nhiều công bố khoa học có giá trị và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng không có thời gian viết sách nên năm nay anh mới được công nhận chức danh giáo sư sau khi bỏ ra 2 năm để hoàn thành cuốn sách về chuyên ngành vật lý.

Điều khiến vị tân GS trăn trở là làm sao có thể cải thiện được môi trường nghiên cứu khoa học, cụ thể là nâng cấp các phòng thí nghiệm để các nhà khoa học có điều kiện làm việc tốt hơn. Từ thành quả mà mình đạt được, GS. Nguyễn Văn Hiếu cho rằng anh không may mắn nhưng anh đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình. Đó cũng là điều anh muốn chia sẻ với các bạn trẻ có định hướng đi theo con đường nghiên cứu khoa học: Đừng đòi hỏi quá nhiều vào Nhà nước, bản thân mỗi nhà khoa học phải nỗ lực, phải cố gắng rồi sẽ được ghi nhận.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1972, là con thứ 10 trong một gia đình nghèo có 11 người con ở phường Vĩ Dạ (TP. Huế). Dù rất vất vả mưu sinh nhưng bố mẹ anh luôn động viên con cái học hành. Trong số 11 anh chị em của anh có 9 người tốt nghiệp ĐH và 2 người học nghề.

Có lẽ đó cũng là động lực khiến Nguyễn Văn Hiếu luôn nỗ lực vượt khó và tự mình vươn lên chứ không trông chờ đòi hỏi ở người khác. Tấm gương của nhà khoa học như anh sẽ là điểm sáng để các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục vượt khó khăn chinh phục những đỉnh cao mới.

Theo VOV