‘Giá mua vắc xin có thể cao nhưng đóng cửa còn có giá cao gấp trăm lần’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm thư ký Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng".
Các diễn giả tham gia buổi toạ đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng"

Các diễn giả tham gia buổi toạ đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng"

Theo đó, đại diện của Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng nếu xác định ‘sống chung với lũ’, thì việc đào tạo doanh nghiệp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 là cần thiết.

Mỗi doanh nghiệp phải được đào tạo để trở thành một CDC, phối hợp với CDC của địa phương để khống chế dịch bệnh. Như vậy, doanh nghiệp không bị động mà sẽ bình tĩnh phối hợp với địa phương, chia sẻ gánh nặng phòng chống dịch Covid-19.

Bà Phan Thị Thanh Xuân phản ánh việc nhiều doanh nghiệp đã gửi danh sách đăng ký nhưng chưa nhận được lịch hẹn tiêm vắc xin cụ thể. “Nhiều địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho các doanh nghiệp áp dụng ‘3 tại chỗ’ đang hoạt động ổn định, còn các doanh nghiệp đang đóng cửa thì vẫn chưa được tiêm vắc xin. Điều đó hạn chế việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp”, bà Xuân cho biết.

Trước nhu cầu rất lớn, các doanh nghiệp thông qua đối tác đã tìm được nguồn vắc xin. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có chức năng đảm phán, do đó, cần sự đồng hành của các cơ quan Chính phủ.

“Nếu mua vắc xin ngay và luôn thì phải chấp nhận giá cao. Doanh nghiệp sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để mua vắc xin. Giá mua vắc xin có thể cao nhưng giá đóng cửa còn cao gấp trăm lần”, bà Xuân nói.

Bên cạnh tìm nguồn tiêm vắc xin phòng Covid-19, việc áp dụng mô hình ‘3 tại chỗ’ và ‘1 cung đường, 2 điểm đến’ cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mô hình sản xuất ‘3 tại chỗ’ chỉ áp dụng được cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu (như sản xuất dệt hoặc sợi) vì thường chỉ có từ 100 – 200 người trong mỗi nhà máy.

Mặt khác, chi phí trung bình cho người lao động khi áp dụng mô hình sản xuất ‘3 tại chỗ’ cũng tăng gấp đôi, tiền lương và các khoản phụ cấp, chi phí ăn ở lên tới 20 triệu/người. Thêm nữa, người lao động cũng phải chịu áp lực rất lớn về tâm lý, dẫn đến tình trạng bỏ việc.

“Các doanh nghiệp dệt may, da giầy và thuỷ sản khó có thể chịu được được thêm 1-2 tháng nữa”, vị này cho hay./.