Xét xử đại án MobiFone mua AVG:

Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son nộp 21 tỷ đồng khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD

VietTimes – Vào cuối phiên làm việc chiều nay (23/12), Hội đồng xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG công bố gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỷ đồng khắc phục hậu quả về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm về việc giữ lại lá thư ông Nguyễn Bắc Son gửi về cho vợ con. Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến tại phòng dự khán.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm về việc giữ lại lá thư ông Nguyễn Bắc Son gửi về cho vợ con. Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến tại phòng dự khán.

Trong phiên tòa xét xử đại án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, chiều nay (23/10), đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã tiến hành đối đáp với các luật sư khi tranh luận trong vụ án.

Tranh luận với các luật sư của ông Nguyễn Bắc Son rằng bức thư cựu Bộ trưởng gửi vợ phải được đưa về gia đình, không thể giữ lại trong hồ sơ vụ án Mobifone mua AVG. Từ đó, các luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin, giấu lá thư ông Son gửi gia đình đề nghị khắc phục hậu quả. Và như vậy, quá trình điều tra có vi phạm tố tụng khi giữ lại bức thư bị cáo gửi vợ; dẫn đến việc bị đề nghị mức án tử hình.

“Chúng tôi khẳng định thư bị cáo Son gửi vợ là bà L. không phải thư tình, mà là tài liệu chứng cứ nên phải đưa vào hồ sơ”. Bức thư này được viết sau khi bị cáo Nguyễn Bắc Son có bản tự khai thể hiện nhận hối lộ 3 triệu USD.

Thư có nội dung: “Sau khi mua bán, Phạm Nhật Vũ mang cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh gửi Huyền Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son – PV) mang vào TP.HCM giữ hộ anh. Anh không nói gì với em và Huyền về nguồn gốc số tiền này. Em nói Huyền thu xếp trả lại cho anh”, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại Tòa đối đáp với luật sư.

Theo Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa, năm 2015, 14 bị cáo trong vụ đã quyết định việc để Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu AVG gây thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hối lộ nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD. Viện kiểm sát giữ quyền công tố đặc biệt nhấn mạnh đến việc “gia đình bị cáo không chịu khắc phục hậu quả vụ án”.

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị hình phạt tử hình vì hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD. Ảnh: TTXVN
Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị hình phạt tử hình vì hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD. Ảnh: TTXVN


 “Gia đình ông Son sau đó không khắc phục hậu quả ngay, vợ ông Son cũng không muốn trả thay cho chồng số tiền nhận hối lộ. Trong các lần làm việc có sự chứng kiến của kiểm sát viên và một số buổi có mặt luật sư, bị cáo Son vẫn giữ ý định trả lại tiền, đồng thời mong gặp vợ và con trai để vận động. Cơ quan điều tra đã cho bị cáo gặp vợ con tại trại T16 trước sự chứng kiến của đại diện trại tạm giam T16, kiểm sát viên... và tại đây, bị cáo Son vẫn muốn gia đình trả 3 triệu USD

Tuy nhiên, gia đình không hợp tác để nộp tiền như trong cáo trạng truy tố là đúng và điều này được chứng minh qua những biện pháp tố tụng dưới sự dưới kiểm sát chặt chẽ của kiểm sát viên" - Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại Tòa nói.

Cơ quan công tố nhấn mạnh, việc luật sư nói cơ quan truy tố bưng bít thông tin là không đúng hoặc không đọc kỹ thông tin, làm bất lợi cho thân chủ của mình đang bào chữa và gây hiểu lầm cho dư luận.

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn đề nghị kê biên tài sản nhà đất ở Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cơ quan điều tra cho rằng tài sản này là đất hương hỏa nên không kê biên.