Tư lệnh hải quân Đức Kay-Achim Schonbach đã chủ động xin từ chức sau khi phát biểu gây tranh cãi của ông về tình hình Nga và Ukraine gây ra sóng gió trong dư luận. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, người của Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đã chấp nhận đơn từ chức của ông Schonbach vào cuối tuần trước.
Nói tốt cho Tổng thống Nga Putin
Hôm thứ Sáu (21/1), ông Schonbach đã tham dự một cuộc hội thảo tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA), một tổ chức tư vấn quân sự nổi tiếng đặt theo tên một cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ, ở New Delhi. Khi nói về quan hệ với Nga, ông đã bày tỏ nghi ngờ về chính sách hiện tại của Berlin, cho rằng Tổng thống Putin "thực sự muốn có sự tôn trọng vào lúc này" và "thật dễ dàng dành cho ông ấy sự tôn trọng và ông ấy có lẽ xứng đáng với điều đó".
Trong bối cảnh tình hình Ukraine hiện nay luôn có nguy cơ bùng nổ, nhắc đến việc Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập năm 2014, Schonbach nói nhẹ nhàng: đối với Ukraine, "Crimea đã mất và sẽ không bao giờ trở lại. Đó là sự thật".
Mặc dù Schoenbach nói tại cuộc họp rằng bài phát biểu chỉ đại diện cho "quan điểm cá nhân" của ông, nhưng ông đã tham gia sự kiện với tư cách chính thức, nghe ông nói là đại biểu của quân đội Ấn Độ và toàn bộ sự kiện được phát trực tiếp trên YouTube. Gới truyền thông Đức phân tích cho rằng không thể nào Tư lệnh Hải quân lại không nhận thức được hiệu ứng lan truyền của bài phát biểu của mình.
Ông Kay-Achim Schoenbach và Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht (Ảnh: Deutsche Welle). |
Quả nhiên, một đoạn video về nhận xét của ông đã nhanh chóng lan truyền trên Twitter, gây ra sự phẫn nộ ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập đại sứ Đức tại Kiev tới, và đại sứ Ukraine tại Đức cũng lớn tiếng phản đối. Ông Schoenbach sau đó đã xin lỗi trên Twitter, gọi những nhận xét của ông về chính sách an ninh là "thiếu cân nhắc." Nhưng ván đã đóng thuyền, thiệt hại không thể cứu vãn, ông đành từ chức trước sức ép của dư luận.
Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc
Ngoài những phát biểu có phần thái quá nói trên, Schoenbach còn nói một điều khiến nhiều người Đức phải ngạc nhiên. Ông cho rằng Nga là đối tượng mà phương Tây cần tranh thủ: "Chúng ta, Ấn Độ và Đức, cần Nga vì chúng ta cần Nga để chống lại Trung Quốc".
Vị Tư lệnh Hải quân thậm chí còn nói rõ tư duy địa chính trị của mình theo quan điểm tôn giáo, tự cho mình là một "tín đồ Thiên chúa giáo cực đoan" và Nga theo Đông chinh giáo "là một quốc gia Cơ đốc giáo", "Putin là một người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng điều đó không sao. Đối với cường quốc này, dù không phải là một quốc gia dân chủ, sẽ dễ dàng hơn để có được họ như một đối tác song phương, bình đẳng với EU và Mỹ, điều này có thể khiến Nga tránh xa Trung Quốc."
Ông cho rằng Trung Quốc "không phải là một quốc gia thân thiện như chúng ta từng nghĩ", mà là "hơn cả đối thủ" và là mối đe dọa lớn hơn cả Nga. Ông cũng chỉ ra mưu đồ của Trung Quốc nhằm chia rẽ EU và NATO "phải kết thúc, và cuối cùng, lối thoát duy nhất là sử dụng vũ lực". Ông cho rằng Ấn Độ cần phải xây dựng một liên minh rộng rãi chống lại Trung Quốc: "Tôi tin rằng sẽ có chiến tranh, có thể không xảy ra trong một hoặc hai năm tới, nhưng có thể trong mười đến hai mươi năm tới."
Đại sứ Ukraine tại Đức nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng phát biểu của Tư lệnh Hải quân phản ánh "sự kiêu ngạo và thói tự đại của người Đức"; “Một trong những thống soái trong Quân đội Đức vẫn nuôi mộng tưởng gây dựng phiên bản hiện đại của các cuộc Thập tự chinh Đức-Nga" thật là điều không thể tin được.
Các cơ quan truyền thông Đức cũng chỉ trích bài phát biểu của Schonbach vì không xem xét hậu quả và có vấn đề với cách tư duy của mình. Tờ Suddeutsche Zeitung (Nam Đức) bình luận, những phát biểu của Schoenbach chỉ đơn giản là "sự pha trộn vô lý giữa nhiệt tình địa chính trị và thuyết âm mưu tôn giáo".
Tờ Der Tagesspiegel (Tấm gương hàng ngày) chỉ ra rằng Tư lệnh Hải quân đã "đặt chính phủ Đức vào một tình huống khó xử" trong tình thế vốn đã tiến thoái lưỡng nan của Berlin về vấn đề xung đột Ukraine.
Tờ Cologne tổng hối báo chỉ ra rằng “thay vì bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của Ukraine và vạch ra lằn ranh đỏ cho những kẻ xâm lược, Schoenbach cho rằng Bán đảo Crimea đã "bị mất", điều này tương đương với việc làm suy yếu con bài đàm phán của phe phương Tây”.
Tờ Frankfurter Rundschau viết: "Sự tôn trọng"đối với Putin không nên trở thành tiêu chuẩn của chính sách hòa bình và tính hợp lý, và niềm tin Công giáo cực đoan càng không phải là thứ vạn năng.
Tờ Die Tageszeitung (Taz) đã phân tích bối cảnh của vụ việc và chỉ ra rằng vụ việc này cho thấy chính sách đối ngoại và quốc phòng là một lỗ hổng trong nền chính trị Đức hiện nay và chính phủ liên bang mới đã không thể lấp đầy nó bằng nội dung mang tính nhất quán. "Tại sao một tướng Đức lại có bài phát biểu chiến lược cơ bản về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Ấn Độ? Lẽ nào ở Đức không có chính trị gia nào khác hiểu rõ bản đồ thế giới hơn hay sao?"
Tàu chiến viễn dương, Tư lệnh Hải quân đăng đàn tại chỗ
Ông Schoenbach tham dự sự kiện này vì tàu hộ vệ "Bavaria" của Đức tuần tra vùng biển Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và dừng lại thăm Mumbai, Ấn Độ. Nhân cơ hội này, Tư lệnh hải quân Đức được mời đến báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức tại New Delhi. Bản báo cáo của Schonbach có vẻ nằm trong khuôn phép, vấn đề nằm ở phần thảo luận diễn ra sau đó.
Đây không phải là lần đầu tiên Schoenbach gây chú ý trên một diễn đàn ở nước ngoài. Vào tháng 12/2021, Schoenbach đã có mặt tại Singapore để tham dự một cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London. Ông cũng đã nói Trung Quốc là "một quốc gia bá quyền đang lớn mạnh, đang sử dụng quyền lực và tiền bạc của mình để tiến vào châu Âu và gây áp lực lên trật tự quốc tế".
Tàu hộ vệ Bavaria của Đức vừa có chuyến đi biển đầu tiên tới Thái Bình Dương và vào Biển Đông (Ảnh: Deutsche Welle). |
Trong phần hỏi đáp của giới truyền thông, một phóng viên đã hỏi tại sao tàu "Bavaria" không đi xuyên qua eo biển Đài Loan, ông trả lời: "Lần này, chúng tôi bắt đầu với một bước nhỏ ... Có thể chúng tôi sẽ vượt qua Eo biển Đài Loan trong thời gian tới”. Tàu “Bavaria" vừa đi qua Biển Đông, đây là lần đầu tiên một tàu chiến Đức vào Biển Đông trong gần 20 năm.
Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ
Phía Trung Quốc đã lên tiếng phê phán phát biểu của ông Schoenbach. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/1 của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Triệu Lập Kiên khi trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình vệ tinh Thâm Quyến đã nói: “Phát biểu của ông Schoenbach là lời lẽ cực đoan tôn giáo điển hình. Ngày nay, khi hòa bình và phát triển đang là xu thế của thời đại, việc công khai chủ trương chia bè kết phái theo tôn giáo và kích động lòng thù hận, đối địch tư tưởng là kéo lùi cỗ xe lịch sử. Đây không chỉ là điều phi lý mà còn cực kì nguy hiểm, cần bị cộng đồng quốc tế đồng lòng lên án. Tôi chú ý đến việc ông ta đã bị buộc phải từ chức, ông ta đã tự lãnh hậu quả”.
Tuy nhiên, mặc dù Triệu Lập Kiên phê phán Schonbach, nhưng những bình luận sau đó của ông về quan hệ Trung - Đức vẫn coi "hợp tác" là chính và không để tác động tiêu cực của nhận xét của vị Tư lệnh hải quân này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Trung - Đức.
Schoenbach 56 tuổi xuất thân trong một gia đình quân nhân và cha là đại tá. Ông gia nhập quân đội sau khi học xong trung học và tốt nghiệp Đại học Quốc phòng ở Hamburg. Sự nghiệp của Schonbach có thể coi là thuận buồm xuôi gió. Ông được phong quân hàm trung tướng vào năm 2016, và hai năm sau đó nắm quyền chỉ huy Học viện Hải quân Flensburg danh giá.
Năm 2018, ông được điều động về Bộ Quốc phòng làm Phó Vụ trưởng Chiến lược và Hoạt động quân đội. Tháng 3/2021, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Quân đội liên bang, cấp hàm tương đương Tổng tư lệnh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu