Gay gắt cuộc tranh luận về "rút gọn" văn bản gốc làm ngữ liệu sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cắt gọt/rút gọn văn bản gốc để đưa vào SGK là bất thường, tùy tiện hay là một giải pháp thông thường và phổ biến?

Mạng xã hội và báo chí mấy ngày nay đang nổ ra một cuộc tranh luận, mỗi lúc một gay gắt hơn xung quanh bài “Tôi đi học” – là bản rút gọn tác phẩm “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh – trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Có 2 luồng ý kiến chủ đạo: phê phán và chấp nhận.

Những người không đồng tình với cách làm này (cắt gọt, chỉnh sửa) đã đưa ra nhiều lý do như: “làm méo mó nội dung, ý nghĩa, khiến khó nhận ra cái hồn cốt, văn phong cũng như sắc thái tình cảm, cảm xúc của cố nhà văn Thanh Tịnh trong nguyên tác ‘Tôi đi học’” (Nguyễn Trọng Bình – nguồn: báo giaoduc.net). Người khác thì nhận định rằng cách làm này là sự “xào nấu, chế biến thô thiển”, “làm bẩn thỉu tâm hồn ngây thơ trong trẻo của trẻ em” (Chu Mộng Long – Facebook cá nhân). Tóm lại, theo những người phê phán thì đây là “cách làm tùy tiện”, không thể chấp nhận được.

Ở một chiều hướng khác, cô giáo Thanh Nguyên (Trà Vinh) sau khi xem xét các góc độ “yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt 1 chương trình 2018”, góc độ “cấu trúc sách giáo khoa và góc độ cấu trúc bài học”, cuối cùng là xét từ “phương pháp xử lý ngữ liệu khi đưa vào sách giáo khoa” đã đi đến kết luận: "Tóm lại, việc rút gọn văn bản để đưa vào sách giáo khoa có thể chưa phải là giải pháp tối ưu, chất lượng văn bản rút gọn có thể sẽ có nhiều người khen chê, nhưng đó chắc chắn không phải là cách làm tùy tiện, ngẫu hứng của tác giả sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trong trường hợp văn bản "Tôi đi học", mà nó là một giải pháp có cân nhắc, có sự thận trọng về mặt chuyên môn” (nguồn: báo giaoduc.net)

Ảnh chụp 1 trang sách bài Tôi đi học trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Ảnh chụp 1 trang sách bài Tôi đi học trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Còn PGS-TS Hoàng Dũng cho biết:

“Có hai lý do [của việc cắt gọt, chỉnh sửa] sau đây:

(a) Từ ngữ, cách diễn đạt của nhà văn có khi không phù hợp với học sinh.

(b) Theo quy định cứng của Chương trình Tiếng Việt lớp 1, 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo), độ dài của truyện và đoạn văn miêu tả chỉ được khoảng 90 - 130 chữ.

Thực tế cho thấy khó lòng tìm được một văn bản truyện (với thơ thì khác) vừa đúng với ý đồ biên soạn của các tác giả sách giáo khoa, vừa không quá khó đối với trình độ học sinh, lại vừa trong phạm vi độ dài quy định. Cho nên, đối với phần lớn các văn bản truyện, bộ sách giáo khoa nào cho cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp, cũng phải cắt gọt, chỉnh sửa. Việc dạy nguyên bản (không chỉnh sửa) các văn bản truyện chỉ khả thi đối với sách giáo khoa cho cấp Trung học. Nếu không cắt gọt, chỉnh sửa thì các tác giả sách giáo khoa Tiểu học chỉ còn một cách: tự mình viết văn bản. Mà cách này chưa nói chuyện bất khả thi, chắc gì đã tốt hơn”!

Ông còn đưa thêm các ví dụ để chứng minh rằng đây là một cách làm thông thường, phổ biến không những ở Việt Nam mà còn là cả trên thế giới: “một cuốn trong nước, là sách dạy tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa, cuốn “Việt văn tân tập” lớp nhì (ảnh 1) (tức là lớp 4 ngày nay) của Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên, in năm 1964 tại Sài Gòn và một cuốn ở nước ngoài, cuốn “Cambridge Primary English” lớp 3 (ảnh 6) của Gill Budgell và Kate Ruttle, in năm 2015, do Đại học Cambridge xuất bản” và đi đến kết luận: “Đưa văn bản truyện vào sách giáo khoa tiểu học thì trong nhiều trường hợp không thể không cắt gọt, chỉnh sửa. Xưa cũng như nay, ta cũng như tây, đều thế!” (Facebook cá nhân).

VietTimes tiếp tục theo dõi, tường thuật cuộc tranh luận và rất mong nhận được những ý kiến xác đáng của thầy cô giáo, của các nhà khoa học và bạn đọc nói chung góp phần luận bàn, làm sáng tỏ chủ đề này.