Gặp nhau lần đầu tiên sau 20 tháng, chỉ huy quân đội Mỹ và Nga bàn những gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các tướng chỉ huy cao nhất quân đội Mỹ và Nga đã tổ chức cuộc hội đàm kéo dài 6 giờ tại Helsinki, Phần Lan vào thứ Tư (22/9). Đây là cuộc gặp đầu tiên của chỉ huy hai bên sau 20 tháng kể từ năm 2019.
Hai ông Mark Milley và Valery Grassimov gặp nhau tại Helsinki hôm 22/9 (Ảnh: Đông Phương).
Hai ông Mark Milley và Valery Grassimov gặp nhau tại Helsinki hôm 22/9 (Ảnh: Đông Phương).

Theo VOA, cả tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và tướng Valery Gerassimov, Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Nga, đều không tiết lộ chi tiết cuộc hội đàm của họ và đưa ra rất ít nội dung trong tuyên bố sau cuộc hội đàm.

Tuyên bố của phía quân đội Mỹ do người phát ngôn của ông Milley, đại tá Dave Butler đưa ra bao gồm chi tiết về thời lượng 6 giờ của cuộc hội đàm, nhưng không nêu rõ nội dung hai bên thảo luận. Tuyên bố của quân đội Mỹ chỉ nói, cuộc gặp này là sự tiếp nối của các cuộc đối thoại song phương nhằm cải thiện liên lạc giữa giới lãnh đạo quân sự hai nước, qua đó “giảm thiểu rủi ro và hóa giải xung đột ở cấp độ vận hành”.

Mỹ và Nga có lợi ích quân sự cạnh tranh ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Syria và các quốc gia khác. Mỹ và Nga đều có quân đội đóng ở Syria và khu vực hoạt động của họ rất gần nhau. Việc Washington và Moscow thực hiện các bước tiếp theo ở Afghanistan như thế nào vẫn còn phải chờ xem.

Quân đội Mỹ đang chịu áp lực từ phía Quốc hội trong việc yêu cầu họ tăng cường chiến lược chống khủng bố để đối phó với các nguy cơ từ Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản chính quyền.

Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Grassimov (Ảnh: RIA).

Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Grassimov (Ảnh: RIA).

Chính quyền của Tổng thống Biden tuyên bố rằng họ sẽ dựa vào hành động kiểu "từ bên ngoài đường chân trời" để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa chống lại các tổ chức như Al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi chúng đe dọa nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong trường hợp không có quân đội đồn trú tại địa phương như trước đây, vẫn chưa rõ Washington có thể phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố như thế nào. Sau 20 năm chiến tranh, các quan chức quân đội Mỹ không mấy lạc quan khi nói về Taliban và đề cập đến mối liên hệ giữa Taliban và Al-Qaeda.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tuyên bố rằng Moscow cần cộng tác với chính phủ Taliban, các cường quốc trên thế giới nên xem xét việc giải phóng các tài sản của Afghanistan bị phong tỏa. Một phái đoàn Nga do ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Putin hôm 21/9 đã cùng các đặc phái viên của Trung Quốc và Pakistan tới Kabul, gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời của Taliban Afghanistan để thảo luận về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị, ngoại giao, thúc đẩy hòa bình ổn định của Afghanistan và tình hình an ninh trong khu vực.

Theo hãng thông tấn Nga Interfax, Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư (22/9) thông báo, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Waleri Gerassimow và người đồng cấp Mỹ Mark Milley đã có cuộc hội đàm tại Helsinki Phần Lan trong bầu không khí mang tính xây dựng. Theo bản tin, một trong những mục đích của cuộc đàm phán là “giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố trong các hoạt động quân sự". Moscow cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến các vấn đề "lợi ích song phương", nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Nga tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm về tình hình ở đây. Moscow lo ngại rằng sau khi tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban lên nắm quyền, các chiến binh của họ có thể tiến vào cương vực của Liên Xô cũ ở Trung Á. Nga cũng cảnh báo thế lực tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) sẽ trỗi dậy và các hoạt động buôn lậu ma túy sẽ gia tăng. Ngoài ra, trong một khoảng thời gian, Nga và phương Tây đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự, gây ra những căng thẳng mới.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (Ảnh: AP).

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (Ảnh: AP).

Hiện tại, một cuộc tập trận chung có sự tham gia của Mỹ và các nước NATO khác đang được tổ chức ở miền Tây Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo tại Kiev rằng quân đội Ukraine và quân đội 11 quốc gia NATO sẽ khởi động một cuộc tập trận chung khác vào ngày thứ Tư (22/9). Cuộc tập trận mang tên “United Forces 2021” (Các lực lượng thống nhất 2021) này có khoảng 12.500 sĩ quan và binh sĩ tham gia, hơn 600 bộ trang thiết bị quân sự sẽ được sử dụng. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành trên toàn lãnh thổ Ukraine và sẽ kết thúc vào thứ Năm tuần sau (30/9).

Các cơ quan truyền thông Mỹ chỉ ra rằng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Washington đang phải đối mặt với vấn đề đóng quân đồn trú ở Trung Á và chống khủng bố. Ông Milley gần đây nói rõ một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm tới châu Âu của ông là đóng quân Mỹ ở Trung Á. Cuối tuần trước, khi tới thăm Hy Lạp ông cũng đã thảo luận về vấn đề này với các đồng minh NATO. Tuy nhiên, Nga trước đó đã bày tỏ quan điểm phản đối việc Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự ở quốc gia láng giềng của Afghanistan.

Việc hai người chỉ huy cao nhất của quân đội Mỹ, Nga có bàn đến vấn đề này trong cuộc gặp gỡ tại Helsinki hay không, hiện vẫn không rõ.