Hãng tin Anh Reuters: Châu Á đang sa vào cuộc chạy đua vũ trang leo thang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà phân tích quốc tế cảnh báo, Châu Á có thể sẽ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm ngày càng leo thang.
 Tàu khu trục Australia HMAS Parramatta (trái) tập trận chung với tàu đổ bộ USS America và các tàu khu trục USS Bunker Hill, USS Barry của Mỹ trên Biển Đông, tháng 4/2020 (Ảnh: Reuters).
Tàu khu trục Australia HMAS Parramatta (trái) tập trận chung với tàu đổ bộ USS America và các tàu khu trục USS Bunker Hill, USS Barry của Mỹ trên Biển Đông, tháng 4/2020 (Ảnh: Reuters).

Theo bản tin độc quyền của Reuters ngày 21/9, với việc các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phản ứng trước sự tăng trưởng quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong những năm gần đây, châu Á có thể rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang không ngừng leo thang.

Theo Reuters, Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Dongfeng-26, một loại vũ khí đa năng có tầm bắn lên tới 4.000 km. Mỹ cũng đang phát triển vũ khí mới để cạnh tranh với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Vì lo ngại Trung Quốc và mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, các quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng đang mua hoặc phát triển tên lửa mới của riêng họ.

Các nhà phân tích, ngoại giao và quan chức quân sự cho rằng trước cuối thập kỷ này, châu Á sẽ có một số lượng lớn tên lửa thông thường bay xa hơn, nhanh hơn, uy lực mạnh hơn và tiên tiến hơn. Đây là một sự thay đổi rõ ràng và nguy hiểm đã xảy ra trong mấy năm gần đây.

Chủ tịch Diễn đần Thái Bình Dương David Santoro: Bản đồ tên lửa ở châu Á đang thay đổi rất nhanh (Ảnh: PF).

Chủ tịch Diễn đần Thái Bình Dương David Santoro: Bản đồ tên lửa ở châu Á đang thay đổi rất nhanh (Ảnh: PF).

“Bản đồ tên lửa ở châu Á đang thay đổi và thay đổi rất nhanh” - Ông David Santoro, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) nhận xét.

Các nhà phân tích cho rằng giá tên lửa ngày càng phải chăng và độ chính xác ngày càng cao, khi một số quốc gia có được loại vũ khí như vậy thì các quốc gia láng giềng cũng không chịu thua kém. Tên lửa có thể mang lại những lợi ích chiến lược, chẳng hạn như ngăn chặn kẻ thù và nâng cao ảnh hưởng của họ đối với các đồng minh, và cũng có thể xuất khẩu để kiếm lợi nhuận khổng lồ.

Ông Santoro nói rằng ảnh hưởng lâu dài là không chắc chắn, và khả năng vũ khí mới có thể cân bằng căng thẳng và giúp duy trì hòa bình là rất thấp.

Ông nói: “Nhiều khả năng việc phổ biến tên lửa sẽ gây nghi ngờ, kích hoạt chạy đua vũ trang, làm gia tăng căng thẳng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng, thậm chí chiến tranh”.

Bản tin của Reuters đã liệt kê các hệ thống vũ khí phòng thủ mà một số quốc gia và vùng lãnh thổ chính ở Châu Á - Thái Bình Dương đang tìm kiếm hoặc đã có được:

Mỹ: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ có kế hoạch triển khai các vũ khí tầm xa mới trong một mạng lưới tấn công chính xác và có khả năng sống sót cao "dọc theo chuỗi đảo Thứ nhất" (chuỗi đảo Thứ nhất bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương khác xung quanh bờ biển phía đông của Trung Quốc và Nga).

Mỹ đang tìm địa điểm để bố trí hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa LRHW ở châu Á (Ảnh: Shihai).

Mỹ đang tìm địa điểm để bố trí hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa LRHW ở châu Á (Ảnh: Shihai).

Các vũ khí mới bao gồm vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW), có thể bắn các đầu đạn có điều khiển vào các mục tiêu cách xa 2.775 km với tốc độ gấp 5 lần âm thanh.

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương nói với Reuters rằng họ vẫn chưa quyết định nơi các vũ khí này sẽ được triển khai. Cho đến nay, hầu hết các đồng minh của Mỹ trong khu vực đều lưỡng lự trong việc tiếp nhận các loại vũ khí này. Nếu bố trí nó tại Guam, lãnh thổ của Mỹ, LRHW sẽ không thể bắn tới lãnh thổ Trung Quốc.

Mỹ hiện có 54.000 quân đồn trú tại Nhật. Các nguồn tin thông thạo với chính phủ Nhật Bản nói rằng Nhật Bản có thể bố trí một số đơn vị tên lửa mới ở quần đảo Okinawa, nhưng Mỹ có thể phải rút lực lượng khác. Do tính nhạy cảm của vấn đề, nguồn tin này xin giấu tên.

Australia: Australia gần đây tuyên bố sẽ chi 100 tỉ USD trong 20 năm để nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến. Hôm 16/9 chính phủ Australia cho biết nước này sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương đạt được với Mỹ và Vương quốc Anh. Australia cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa bằng cách triển khai tên lửa hành trình "Tomahawk" cho các tàu khu trục, đồng thời trang bị các tên lửa không đối đất có tầm bắn 900 km cho các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet và máy bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II.

Australia sẽ trang bị tên lửa chống hạm tầm xa LRASM cho máy bay F/A18 Super Hornet (Ảnh: AP).

Australia sẽ trang bị tên lửa chống hạm tầm xa LRASM cho máy bay F/A18 Super Hornet (Ảnh: AP).

Đồng thời, tên lửa chống hạm tầm xa LRASM(Long Range Anti-Ship Missile, LRASM) sẽ được triển khai cho tiêm kích F/A18F Super Hornet. Ngoài ra, Australia cũng lên kế hoạch trang bị cho các lực lượng mặt đất tên lửa dẫn đường tấn công chính xác có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa hơn 400 km.

Australia cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa siêu thanh theo thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Anh – Australia (AUKUS). Ngoài ra, vào tháng 6 năm nay Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán 29 trực thăng tấn công AH-64E Apache cho Australia. Thương vụ bán vũ khí này giá trị giá khoảng 3,5 tỉ USD.

Đài Loan: ngày 17/9 chính quyền Đài Loan thông báo sẽ chi 8,69 tỉ USD trong 5 năm tới để nâng cấp năng lực của hệ thống vũ khí, trong đó có khả năng bao gồm các loại tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình hiện có.

Dự án này sẽ bao gồm việc mua các tên lửa mới. Truyền thông Đài Loan cho biết, loại tên lửa Hsiung Feng-2E mới có thể có tầm bắn lên tới 1.200 km, là phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình "Hsiung Feng" (Hùng Phong).

Hình ảnh được cho là tên lửa tuyệt mật Hùng Phong-2E kiểu mới có tầm bắn 1.200 km của Đài Loan (Ảnh: Chinatimes).

Hình ảnh được cho là tên lửa tuyệt mật Hùng Phong-2E kiểu mới có tầm bắn 1.200 km của Đài Loan (Ảnh: Chinatimes).

Chính phủ Mỹ vào năm 2020 đã phê duyệt bán 100 Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon do hãng Boeing chế tạo cho Đài Loan, bao gồm 3 loại vũ khí bao gồm tên lửa, cảm biến và pháo, cùng 4 máy bay không người lái tinh vi, với tổng giá trị là 5 tỉ USD.

Vào tháng 8 năm nay, Washington cũng đã phê chuẩn bán 40 hệ thống lựu pháo tự hành tối tân cho Đài Loan, trị giá có thể lên tới 750 triệu USD.

Hàn Quốc: vào ngày 15/9, Hàn Quốc đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo trang bị cho tàu ngầm thông thường và trở thành quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên phát triển được hệ thống này. Tên lửa này được cho là biến thể của loại tên lửa đạn đạo phóng từ căn cứ trên đất liền Hyunmoo-2B của Hàn Quốc. Năm ngoái, Hàn Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo Hyunmoo-4 có tầm bắn 800 km và mang đầu đạn nặng 2 tấn.

Hôm 15/9, Hàn Quốc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (Ảnh: Yonhap).

Hôm 15/9, Hàn Quốc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (Ảnh: Yonhap).

Hàn Quốc cũng tiết lộ các loại tên lửa mới khác, bao gồm cả tên lửa hành trình siêu thanh sẽ sớm được triển khai tới đây.

Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển loại tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, nằm trong kế hoạch phóng vệ tinh do thám vào cuối những năm 2020, nước này đã tiến hành phóng thử nghiệm thành công vào tháng 7 năm nay.

Trong kế hoạch trung hạn do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra vào năm 2020, nước này đã đề xuất một kế hoạch chi tiết về việc đóng 3 tàu ngầm; trong đó hai chiếc có lượng giãn nước 3.000 và 3.600 tấn chạy bằng động cơ điện và diezen, nhưng từ chối tiết lộ chiếc lớn nhất có lượng giãn nước 4.000 tấn sẽ sử dụng loại động cơ gì.

Việc chế tạo một tàu ngầm hạt nhân là một trong những cam kết của Tổng thống Moon Jae-in trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhưng ông chưa bao giờ chính thức tuyên bố sau khi nhậm chức vào năm 2017.

Nhật đang phát triển hệ thống tên lửa chống hạm Type 12 có tầm bắn lên tới 1.000 km (Ảnh: Sohu).

Nhật đang phát triển hệ thống tên lửa chống hạm Type 12 có tầm bắn lên tới 1.000 km (Ảnh: Sohu).

Nhật Bản: Nhật Bản đã chi hàng triệu USD để mua vũ khí tầm xa phóng từ trên không và đang phát triển một loại tên lửa chống hạm mới "Type 12" gắn trên xe có tầm bắn lên tới 1.000 km.

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do hãng Lockheed Martin sản xuất cho Nhật Bản, với giá trị ước tính khoảng 23 tỉ USD.

Trung Quốc: Trung Quốc đang sản xuất với số lượng hàng loạt tên lửa đa năng "Dongfeng-26" (DF-26) có thể mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên tới 4.000 km.

Tại một cuộc duyệt binh năm 2019, Trung Quốc đã trình làng một phương tiện bay không người lái mới, cũng như các tên lửa liên lục địa và siêu thanh tiên tiến được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và các căn cứ trên đất liền.

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17" (DF-17) của Trung Quốc về lý thuyết có thể bay với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn. Trung Quốc cũng đã đưa vào trang bị loại tên lửa đạn đạo liên lục địa "Dongfeng-41" (DF-41), là lực lượng răn đe hạt nhân chính của Trung Quốc và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân để tấn công lục địa nước Mỹ.