Chính quyền Taliban bị quốc tế cô lập, đặc phái viên Trung Quốc, Nga và Pakistan đến Kabul làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc chính quyền Taliban đang bị quốc tế cô lập, từ ngày 21 đến 22/9, các quan chức cấp cao của Trung Quốc, Nga và Pakistan đã đến thăm Afghanistan và gặp gỡ các quan chức cấp cao của Taliban.
Đặc phái viên Trung Quốc, Nga và Pakistan (bên trái) gặp gỡ Quyền Thủ tướng Taliban Hasan Akhund (giữa) và các quan chức chính quyền Taliban (Ảnh: Đông Phương)
Đặc phái viên Trung Quốc, Nga và Pakistan (bên trái) gặp gỡ Quyền Thủ tướng Taliban Hasan Akhund (giữa) và các quan chức chính quyền Taliban (Ảnh: Đông Phương)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/9 đưa ra thông báo, ông Nhạc Hiểu Dũng (Yue Xiaoyong), Đặc phái viên về các vấn đề Afghanistan của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cùng các ông Zamir Kabulov, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Putin về Afghanistan và Muhammad Sadiq, Đại diện đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Afghanistan, đã đến thăm Kabul; đồng thời đã gặp gỡ Quyền Thủ tướng Hasan Akhund, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi, Quyền Bộ trưởng Tài chính Khalid Payenda và các quan chức cấp cao khác của chính phủ lâm thời Taliban Afghanistan.

Quyền Thủ tướng chính phủ lâm thời Taliban Hasan Akhund chủ trì cuộc gặp giữa các đặc phái viên Trung Quốc, Nga, Pakistan và các quan chức Taliban (Ảnh: Weibo).

Quyền Thủ tướng chính phủ lâm thời Taliban Hasan Akhund chủ trì cuộc gặp giữa các đặc phái viên Trung Quốc, Nga, Pakistan và các quan chức Taliban (Ảnh: Weibo).

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “sâu sắc và mang tính xây dựng” về những diễn biến gần đây của tình hình ở Afghanistan, đặc biệt là về tính bao trùm, nhân quyền, các vấn đề kinh tế và nhân đạo, quan hệ hữu nghị giữa Afghanistan và các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, cùng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan. Các bên bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm ma túy. Phía Taliban nhấn mạnh rằng họ “rất coi trọng quan hệ giữa Afghanistan với Trung Quốc, Pakistan và Nga, ba nước đã đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm trong việc củng cố hòa bình và ổn định ở Afghanistan”.

Ba nước Trung Quốc, Nga và Pakistan kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh rằng “Mỹ và các đồng minh phải chịu trách nhiệm chính trong việc tái thiết kinh tế và xã hội của Afghanistan và phải cung cấp viện trợ nhu cầu cấp thiết về kinh tế, dân sinh và hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan”.

Cuộc gặp giữa các quan chức Taliban với các đặc phái viên Trung Quốc, Nga, Pakistan (Ảnh: Weibo).

Cuộc gặp giữa các quan chức Taliban với các đặc phái viên Trung Quốc, Nga, Pakistan (Ảnh: Weibo).

Ba nước Trung Quốc, Nga, Pakistan và chính quyền Taliban đồng ý duy trì các cuộc tiếp xúc mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Afghanistan cũng như sự phát triển ổn định của khu vực. Trong chuyến thăm, các đặc phái viên ba nước cũng đã có cuộc gặp với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và cựu Chủ tịch Ủy ban cấp cao về hòa giải dân tộc Abdullah để thảo luận về vấn đề thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan.

Trong chuyến thăm này, phía Trung Quốc bày tỏ, Trung Quốc theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan và luôn đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết chính trị vấn đề Afghanistan. Afghanistan cần đạt được một thỏa thuận chính trị cởi mở và bao trùm, thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và thận trọng, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với các tổ chức khủng bố khác nhau và chung sống với các nước láng giềng một cách thân thiện.

Ba đặc phái viên gặp các nhà lãnh đạo của chính phủ Afghanistan trước đây. Từ trái qua phải, hàng đầu: cựu Tổng thống Hamid Karzai, Muhammad Sadiq, Nhạc Hiểu Dũng, Zamir Kabulov và cựu Chủ tịch Ủy ban cấp cao về hòa giải dân tộc Abdullah (Ảnh: Dwnews).

Ba đặc phái viên gặp các nhà lãnh đạo của chính phủ Afghanistan trước đây. Từ trái qua phải, hàng đầu: cựu Tổng thống Hamid Karzai, Muhammad Sadiq, Nhạc Hiểu Dũng, Zamir Kabulov và cựu Chủ tịch Ủy ban cấp cao về hòa giải dân tộc Abdullah (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Tư 22/9 thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, cho biết các đặc phái viên của Trung Quốc, Nga và Pakistan đã được Taliban mời đến thăm Kabul và gặp gỡ các quan chức của họ. Triệu Lập Kiên nói rõ các bên có các cuộc thảo luận sâu rộng về những phát triển gần đây ở Afghanistan, bao gồm tính đa nguyên của chính phủ, nhân quyền, các vấn đề kinh tế và viện trợ nhân đạo, đồng thời đã đạt được đồng thuận về vấn đề chống khủng bố và tội phạm ma túy.

Trung Quốc, Nga và Pakistan yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp tục viện trợ cho Afghanistan, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ và các đồng minh phải chịu trách nhiệm chính. Đặc phái viên Trung Quốc Nhạc Hiểu Dũng nói rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan và Afghanistan cũng nên đạt được một thỏa thuận chính trị đa nguyên và cởi mở. Taliban cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với 3 nước Trung Quốc, Nga, Pakistan, khẳng định ba nước đóng một vai trò có tính xây dựng và có trách nhiệm trong việc củng cố hòa bình và ổn định ở Afghanistan.

Người dân Đức biểu tình chống Taliban và sự can dự của Pakistan vào tình hình Afghanistan (Ảnh: AP).

Người dân Đức biểu tình chống Taliban và sự can dự của Pakistan vào tình hình Afghanistan (Ảnh: AP).

Đồng thời, ông Triệu Lập Kiên đã thông báo rằng Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Italy Di Maio, sẽ tham dự Hội nghị truyền hình các Bộ trưởng Ngoại giao Tập đoàn 20 quốc gia (G20) vào ngày thứ Tư để thảo luận mở rộng vị thế của Trung Quốc trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo và tái thiết hòa bình ở Afghanistan.

Giới quan sát cho rằng, điều Trung Quốc lo ngại nhất vẫn là hoạt động của các tổ chức khủng bố ở Afghanistan. Trong chuyến thăm này, phía Trung Quốc tuyên bố rằng “Afghanistan cần đạt được một thỏa thuận chính trị cởi mở và bao trùm, thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và ổn định, cắt đứt hoàn toàn với các tổ chức khủng bố khác nhau và hòa hợp với các nước láng giềng một cách thân thiện”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó thủ lĩnh Taliban Bandahar tại Thiên Tân cuối tháng 7 (Ảnh: Xinhua).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó thủ lĩnh Taliban Bandahar tại Thiên Tân cuối tháng 7 (Ảnh: Xinhua).

Afghanistan và khu vực Tân Cương của Trung Quốc có đường biên giới trên bộ. Trước đây, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc Mỹ bỏ tiền bạc và nỗ lực duy trì trật tự địa phương, tình hình dọc theo đường biên giới giữa Afghanistan và Trung Quốc tương đối ổn định. Sau khi quân đội Mỹ rút đi, giới quan sát cho rằng điều Trung Quốc lo ngại nhất chính là liệu vùng Tân Cương nhạy cảm, liệu có bị liên quan đến khả năng trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố địa phương ở Afghanistan. Afghanistan xưa nay vẫn được coi là nơi Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM), một nhóm chiến binh người dân tộc Duy Ngô Nhĩ đấu tranh cho việc Tân Cương độc lập (Trung Quốc gọi là tổ chức ly khai khủng bố Đông Đột) đặt căn cứ.

Cũng liên quan đến Afghanistan, quyền Ngoại trưởng của chính quyền Taliban hôm 20/9 đã chính thức gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc yêu cầu trao lại chiếc ghế đại diện của Afghanistan tại tổ chức quốc tế này cho chính phủ lâm thời của Taliban, thông báo bổ nhiệm người phát ngôn Suhail Shaheen làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên do vấn đề kỹ thuật nên vấn đề này chưa thể được xem xét vào thời điểm trước ngày 27/9.

Đối với Sonita Alizadeh, rapper nổi tiếng và nhà hoạt động nhân quyền người Afghanistan, Taliban không nên được tin tưởng. Phát biểu tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc hôm 21/9, Sonita Alizadeh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận Taliban và đứng ra bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.

Alizadeh nói: "(Sau khi Taliban lên nắm quyền) nhân dân Afghanistan chúng tôi còn lại gì? Thành tựu của 20 năm vừa qua sẽ còn lại gì? Xin đừng để bị lừa bởi chiếc mặt nạ mà Taliban đeo khi đối mặt với truyền thông”.

Bà Sonita Alizadeh, rapper và nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi quốc tế không công nhận chính quyền Taliban (Ảnh: Pri).

Bà Sonita Alizadeh, rapper và nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi quốc tế không công nhận chính quyền Taliban (Ảnh: Pri).

Sau khi Taliban lên nắm quyền, quyền phụ nữ ở Afghanistan đã gặp khủng hoảng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng để buộc Taliban bảo vệ quyền phụ nữ, các nước chỉ có thể sử dụng con bài mặc cả là sự công nhận của quốc tế đối với Taliban.

Sonita Alizadeh cùng gia đình cô đã chạy trốn khỏi quê hương sau khi Taliban lên thống trị Afghanistan lần đầu 20 năm trước. Khi đó, phụ nữ không được đi làm, ra ngoài phải che kín mặt, trẻ em gái cũng bị cấm đi học.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 21/9 cũng phát biểu tại cuộc họp trên: "Phụ nữ Afghanistan vẫn rất sợ hãi về sự đàn áp tàn bạo và có hệ thống của Taliban đối với phụ nữ trong những năm 1990".

Mặc dù Taliban hứa rằng họ sẽ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhưng hành động của họ cho đến nay vẫn làm dấy lên sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Taliban gần đây đã mở lại trường học cho học sinh trung học, nhưng không đề cập đến việc cho phép các nữ giáo viên và học sinh nữ trở lại trường học, đồng thời, Taliban cũng đã đóng cửa "Bộ Phụ nữ" do chính phủ Afghanistan trước đây lập ra và nhấn mạnh rằng phụ nữ không thể trở lại làm việc trước khi có "các biện pháp cách ly giới tính phù hợp".