Lục Khảng nói Trung Quốc cam kết giải quyết thích đáng các tranh chấp với các nước liên quan thông qua thương thuyết trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo ông Lục, Trung Quốc hy vọng G7 và các nước khác sẽ kiềm chế, tránh đưa ra quan điểm, đồng thời tôn trọng các nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp của các nước ở khu vực.
Trong tuyên bố chung hôm 27/5, các lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. G7 cũng kêu gọi phi quân sự hóa “các thực thể có tranh chấp”.
Vào tháng 4/2016, khi các ngoại trưởng G7 cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam “hoan nghênh” tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng G7 “theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Ông Lê Hải Bình cũng nói rằng Việt Nam “đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo phi pháp và tăng cường các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Mỹ quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải cũng như để mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.
Tuần trước, một khu trục hạm của hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải gần Đá Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc tuần tra Biển Đông lần đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến Trung Quốc phản ứng tức giận.