Động thái trên được coi là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ trước thực trạng xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này, đồng thời phát đi thông điệp cứng rắn với Trung Quốc rằng nước này không có quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp.
Trước đó, các chuyến tuần tra thực thi tự do hàng hải của Mỹ gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa chỉ là hoạt động "đi qua vô hại", trong đó tàu chiến Mỹ di chuyển liên tục, nhanh chóng khu vực 12 hải lý, chứ không tiến hành hoạt động nào thách thức quyền lãnh hải quanh đảo nhân tạo bồi lấp trái phép.
Tuy nhiên, việc chiến hạm USS Dewey thực hiện bài diễn tập cứu người rơi xuống biển khi di chuyển qua vùng nước 12 hải lý quanh đá Vành Khăn cho thấy nó không "đi qua vô hại" theo luật quốc tế. "Hoạt động của tàu cho thấy đá Vành Khăn không phải thực thể có lãnh hải xung quanh, bất chấp việc có một hòn đảo nhân tạo được xây tại đó", một quan chức Mỹ ẩn danh khẳng định.
Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ khiêu khích và trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" việc khu trục hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn đã bị nước này bồi lấp, xây thành đảo nhân tạo phi pháp, đồng thời phản đối các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực.