Một cửa hàng Món Huế đóng cửa. (Nguồn: Zing) |
Từ năm 2013 đến năm 2019, Tập đoàn Huy Việt Nam – tập đoàn sở hữu Món Huế và các thương hiệu khác như Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng… đã nhận đến 70 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận lại trở nên xôn xao trước việc Món Huế và hàng loạt thương hiệu khác của Huy Việt Nam đóng cửa ngừng kinh doanh.
Trước rất nhiều lùm xùm thông tin xung quanh sự việc, Ông Huy Nhật, nhà sáng lập của Món Huế và ông chủ của Huy Việt Nam mới đây đã lên tiếng, cho biết ông nắm 30% vốn và 3 ghế tại Hội đồng quản trị nhưng hiện tại đã bị mất quyền điều hành doanh nghiệp. "Tôi đã bị loại ra khỏi doanh nghiệp mình sáng lập mà không hề hay biết và hiện nay đang cố giành lại nó" - Ông Huy Nhật cho hay.
Ông Huy Nhật chia sẻ về việc bị mất quyền điều hành tại công ty. (Nguồn: Zing)
|
Hiện tại Món Huế đang vướng phải rất nhiều cáo buộc liên quan đến việc không thanh toán công nợ cho đối tác và tiền lương cho nhân viên trong nhiều tháng. Theo ông Huy Nhật, bản thân ông "không còn là đại diện pháp nhân của công ty” nên dù muốn cũng không thể đứng ra để trả nợ. Ông cũng không nắm được chính xác công nợ là bao nhiêu.
Mâu thuẫn giữ ông Huy Nhật và nhà đầu tư được cho là phát sinh kể từ tháng 5/2019 khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài giành lấy quyền điều hành và gạt ông này ra khỏi Huy Việt Nam.
Câu chuyện của Món Huế khá tương tự với The KAfe của Đào Chi Anh, gọi vốn thành công 5,5 triệu USD, và sau đó cũng phải từ bỏ quyền điều hành doanh nghiệp. Đào Chi Anh từng chia sẻ khi có vốn đầu tư, có quá nhiều bên cùng tham gia dẫn đến việc doanh nghiệp không thể vận hành như ý tưởng ban đầu của cô. “Khi dòng tiền vào, chúng ta phải đối mặt với sức ép tăng trưởng… Ngày còn ở The KAfe, ngay cả khi sinh con, tôi bận rộn tới mức không nhận thức được mình đã làm mẹ”.
Bất đồng với nhà đầu tư, Đào Chi Anh cũng đã rời khỏi vị trí CEO của The KAfe, không lâu sau đó, thương hiệu tâm huyết của cô cũng sụp đổ và trở thành một ví dụ điển hình cho sự thất bại của kinh doanh F&B.
Mất công ty vì tỷ lệ sở hữu
Trở về với ví dụ của ông Huy Nhật, trước đó, truyền thông đã đưa tin về việc một nhóm các nhà đầu tư lớn Huy Việt Nam đã thay mặt công ty tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vì những trách nhiệm liên quan đến vị trí điều hành.
Phía ông Huy Nhật lại cho rằng bản thân đang bị các nhà đầu tư cố tính hạ bệ trước truyền thông. Sự việc chưa ngã ngũ, nhưng cũng có thể thấy mặt trái của việc gọi vốn đầu tư.
Nhận vốn đầu tư dường như là mong muốn của hầu hết các nhà khởi nghiệp trẻ. Trao đổi với VietTimes, Luật sư Lâm Tuấn Minh, CEO kiêm đồng sáng lập Lp Investment & Consulting chia sẻ: “Bản chất của Start-up là cần tăng trưởng đột phá, để có sự tăng trưởng đột phá thì vốn đầu tư là một nhân tố cốt lõi."
Tuy nhiên các nhà đầu tư sẽ luôn mong muốn dòng vốn của mình có thể sinh lợi nhuận. Những bản hợp đồng đầu tư sẽ luôn bao gồm các điều kiện đi kèm về tăng trưởng, lợi nhuận. Luật sư Minh nhận định, nhiều nhà sáng lập đã không nghiên cứu kỹ ở giai đoạn thỏa thuận ký kết hợp đồng, dẫn đến việc sau khi kinh doanh không thể đáp ứng yêu cầu của bên đầu tư, dẫn đến những câu chuyện như mất quyền điều hành, thay đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp.
Nếu như những chia sẻ của ông Huy Nhật là đúng, có vẻ như chính ông cũng đã gặp những rắc rối vì áp lực tăng trưởng của mạnh mẽ của nhà đầu tư. Đào Chi Anh - sáng lập The KAfe cũng chia sẻ, trong khi cô muốn phát triển doanh nghiệp từ từ, và giữ được chất riêng, thì một số nhà đầu tư lại muốn "thổi phồng giá trị doanh nghiệp để kiếm lời nhanh".
Ông Minh nhấn mạnh, các nhà sáng lập sẽ khó lòng “thắng” được nhà đầu tư nếu cuộc chiến pháp lý xảy ra: “Khi chúng ta nhận một số lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, thì thông thường các nhà đầu tư này sẽ có đội ngũ tư vấn tài chính, đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Còn phía các Start-up với nguồn lực của mình thì rất khó”.
Ông Minh cũng nhấn mạnh các Start-up cần định hình nắm các tỉ lệ quan trọng, ít nhất là với bốn tỉ lệ 36%, 51%, 65% và 75%. Theo đó cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ sẽ có quyền phủ quyết toàn bộ quyết định tại đại hộ cổ đông. Cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ 51% vốn sẽ có quyền thông qua các nghị quyết cơ bản trong điều hành doanh nghiệp. Đối với những quyết định quan trọng hơn như thay đổi ngành nghề doanh nghiệp, thay đổi cổ phần, giải thể công ty... thì sự nhất trí của các bên nắm thiểu 65% cổ phần.
Đặc biệt, các cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ 75% cổ phần sẽ có quyền thông qua những vấn đề quan trọng như bán từ 50% giá trị tài sản công ty trở lên. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư thường cố gắng để sở hữu lượng cổ phần ở các mốc 36%, 51%, 65% hoặc 75%.
Ông Huy Nhật từng chia sẻ, khi các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào Huy Việt Nam, theo những nội dung đã ký kết trong hợp đồng hợp tác, ông Huy Nhật nắm 30% vốn nắm giữ 3 ghế tại Hội đồng quản trị, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư nắm giữ 3 ghế còn lại. Tuy nhiên, nếu xét theo các tỷ lệ quan trọng kể trên, việc chỉ năm 30% tỉ lệ vốn có thể đã khiến ông Huy Nhật mất quyền điều hành doanh nghiệp khi cuộc chiến pháp lý với các nhà đầu tư xảy ra./.