Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) vừa công bố tài liệu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thương niên 2019 (ĐHĐCĐ lần thứ 35) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4/2019 sắp tới.
Theo đó, EIB dự kiến sẽ báo cáo một số kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS), các Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018. Bên cạnh đó, ĐHCĐ cũng sẽ thực hiện bỏ phiếu thông qua 5 tờ trình liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân phối lợi nhuận và thù lao của HĐQT năm 2019.
Đáng chú ý, các nội dung dự kiến được đại hội thông qua không đề cập đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với các Thành viên HĐQT hay vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Mục tiêu lợi nhuận 1.077 tỷ đồng, trình phương án đầu tư trụ sở
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, EIB đặt chỉ tiêu phát triển quy mô tổng tài sản lên mức 181.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng sẽ được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Bên cạnh đó, EIB cũng đặt mục tiêu huy động vốn đạt 143.500 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2018. Trong khi đó, EIB chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng ở mức 11%, đạt 115.570 tỷ đồng.
Được biết, kế hoạch này do EIB xây dựng dựa trên cơ sở hạn mức tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo và sẽ xin NHNN xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng nếu kinh doanh thuận lợi.
Ban lãnh đạo EIB cũng đặt kế hoạch mục tiêu Lợi nhuận trước thuế đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, mức Lợi nhuận trước thuế trước khi trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN được EIB đặt kế hoạch là 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, EIB sẽ phải trích lập dự phòng bổ sung cho trái phiếu VAMC với giá trị gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2019. Trước đó, trong năm 2018, EIB đã thực hiện trích lập dự phòng trái phiếu VAMC hơn 900 tỷ đồng, hoạt động này khiến cho lợi nhuận theo báo cáo chỉ còn 827 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của Eximbank năm 2019 (Nguồn: EIB)
|
Cũng tại cuộc họp này, EIB cũng trình cổ đông bỏ phiếu thông qua việc chấp thuận đầu tư dự án trụ sở Eximbank (Eximbank Tower) tại địa chỉ Số 7 Lê Thị Hồng Gấm (Quận 1, Tp. HCM). Nội dung cụ thể của tờ trình này vẫn chưa được EIB công bố.
Theo chia sẻ của EIB, ngân hàng đã ký hợp đồng dịch vụ để thuê một đơn vị tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án. Qua quá trình phân tích, đánh giá, nhà tư vấn này đã gửi cho EIB danh sách 3 nhà đầu tư tiềm năng.
Hiện tại, EIB đang thực hiện các thủ tục nhằm lựa chọn nhà đầu tư để tối ưu hóa việc sử dụng tài sản của ngân hàng. Các phương án thực hiện sẽ phải xin ý kiến của NHNN và được ĐHĐCĐ chấp nhận trước khi thực hiện.
Hoạt động tái cấu trúc ghi nhận nhiều kết quả tích cực
Năm 2018, dù gặp nhiều khó khăn nhưng EIB vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tích cực ở nhiều chỉ tiêu. Các chỉ số về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của EIB đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn tại EIB ở mức 33,89%, thấp hơn nhiều so với “trần” quy định của NHNN là 45%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 76,85%, thấp hơn so với mức “trần” là 80%.
Hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất của ngân hàng đạt mức 15,05%, cao hơn 6,05% so với mức quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu của EIB đến thời điểm cuối năm 2018 chỉ ở mức 1,85%.
Một số tỷ lệ đảm bảo an toàn của Eximbank (Nguồn: EIB)
|
Bên cạnh các chỉ tiêu về an toàn vốn, kết quả kinh doanh của EIB cũng ghi nhận nhiều điểm tích cực. Trong năm 2018, EIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.731 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện trích lập dự phòng trái phiếu VAMC (ngoài khoản đã trích theo quy định) và rủi ro tài chính với tổng số tiền hơn 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế theo báo cáo của EIB trong năm 2018 đạt 827 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục không chia cổ tức cho năm tài chính 2018. Nguyên nhân là do EIB vẫn còn một lượng trái phiếu đặc biệt có thời hạn gốc là 10 năm (được phát hành từ năm 2015 trở về trước). Theo quy định của NHNN, EIB sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi các trái phiếu này được thanh toán.
Để đạt được những kết quả này, EIB cho biết đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của cổ đông chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Theo đó, SMBC đã biệt phái và cử nhiều cán bộ đến công tác tại EIB để cùng ngân hàng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nghiên cứu cải tiến các sản phẩm. Đặc biệt, SMBC cũng hỗ trợ EIB trong xây dựng và triển khai kế hoạch Tái cấu trúc và chiến lược phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020.
Trong thời gian gần đây, EIB đang là tâm điểm thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường khi cuộc đua tranh giành quyền lực của một số nhóm cổ đông lớn vẫn chưa ngã ngũ. Tình trạng này cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng thực hiện các kế hoạch phát triển trong tương lai của nhà băng này./.