Thông tin này được Vinacomin nêu ra trong báo cáo tới Bộ Công thương và Bộ Tài chính giữa tháng 2/2017.
Theo đó, tổng số nợ phải thu của các hộ lớn tiêu thụ ngoài Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VIệt Nam (Vinacomin) tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 3.318 tỷ đồng, tăng 5,46% so với số nợ từ đầu năm 2016.
Trong đó riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ 2.837 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2016 là 304 tỷ đồng và chiếm tới 86% tổng nợ của khách hàng ngoài Vinacomin.
Báo cáo của Vinacomin cho biết, hầu hết các khách hàng ngành điện có dòng tiền luân chuyển đều đặn, nên tập đoàn không lo lắng nhiều về mức độ rủi ro trong bán than – thu tiền từ các doanh nghiệp thuộc EVN.
Tuy nhiên, Vinacomin cho rằng tập đoàn rõ ràng đang bị ngành điện chiếm dụng vốn rất lớn.
Ngoài ra, báo cáo cũng thống kê số nợ từ các "con nợ" khác của Vinacomin. Cụ thể
Phần nợ tiền than của các doanh nghiệp sản xuất phân đạm chỉ có 95 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2016, giảm 41 tỷ đồng so với đầu năm 2016.
Với các hộ sản xuất xi măng, số tiền nợ mua than của Vinacomin cuối năm 2016 là 305 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Dư nợ giảm chủ yếu do các hộ xi măng giảm lượng mua than của Vinacomin.
Khách hàng lớn nhất trong ngành xi măng là Công ty Vicem Vật tư vận tải Xi măng - chiếm 61% tỷ trọng dư nợ của toàn ngành xi măng đối với Vinacomin - lại không thu được tiền từ các đơn vị sản xuất xi măng, nên Vinacomin phải liên tục nhắc nhở thanh toán theo hợp đồng đã ký.
Cũng liên quan đến việc bán than cho EVN, vào đầu năm 2017, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN đã cho hay, việc giá than tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016 khiến chi phí sản xuất điện từ than sẽ tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng trong năm 2017.
Điều này cũng tạo ra những áp lực mới cho giá điện trong năm 2017 bởi giá nhiên liệu là 1 trong 3 yếu tố chính (giá nhiên liệu, tỷ giá, tỷ trọng các nguồn điện) tác động tới giá điện.