Eurozone trượt vào suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã trượt vào một cuộc suy thoái sau khi Đức, nền kinh tế lớn nhất, chao đảo. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của chiến sự Ukraine nghiêm trọng hơn so với dự kiến.

1.png
Nền kinh tế eurozone đang trượt vào suy thoái. (Ảnh: Politico)

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm

Trong khi nền kinh tế Mỹ đến nay vẫn tránh được ảnh hưởng từ lãi suất cao và tiếp tục tăng trưởng nhờ vào hoạt động tiêu dùng của người dân, thị trường việc làm khoẻ mạnh, thì châu Âu lại bị tụt hậu xa hơn về phía sau, mắc kẹt trong tình trạng kinh tế không khác gì COVID kéo dài. Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5,4% so với giai đoạn đại dịch, vượt xa con số tương ứng của eurozone, chỉ là 2,2%.

Lạm phát do giá năng lượng tăng và thực phẩm tăng cao, gần đây, đã hạ nhiệt. Dù vậy, nó vẫn cao hơn so với mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách đề ra, tác động tiêu cực tới hoạt động tiêu dùng.

Sự suy yếu của nền kinh tế Đức đã trở thành mối quan ngại đặc biệt. Trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế nước này thường nhanh chóng vượt qua những cú sốc để lấy lại đà phục hồi, nhờ nội lực của các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, thương mại toàn cầu không còn thuận lợi như trước, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị đang tăng. Sản lượng sản xuất ở Đức đã giảm mạnh trong tháng 3. Tình hình chiến sự kéo dài ở nước láng giềng Ukraine lại càng bồi thêm bất ổn cho toàn khu vực.

Quy mô lớn, kinh tế Đức là trọng số của eurozone. Bất chấp đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Pháp, Italy và Tây Ban Nha, eurozone vẫn trượt vào một cuộc suy thoái từ đầu năm nay.

Theo giới phân tích, điều đó chỉ dấu rằng toàn khu vực châu Âu sẽ chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại vào cuối năm nay, khi mà người tiêu dùng và doanh nghiệp cảm nhận rõ ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát. Vấn đề là, áp lực suy thoái của eurozone chưa đến mức buộc ECB phải ngừng chiến dịch nâng lãi suất.

Cơ quan thống kê của EU ngày 8/6 cho hay, GDP gộp của các quốc gia trong khối đồng tiền chung euro đã giảm tiếp 0,4% trong quý 1/2023, sau khi tăng trưởng âm vào quý liền trước đó.

Eurostat từng dự báo nền kinh tế eurozone sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên. Nhưng dữ liệu kinh tế kém sắc của Đức cùng sự suy yếu của Ireland và Phần Lan đã kéo lùi dự báo. Tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, đồng nghĩa là bước vào suy thoái – theo kinh tế học.

Giới phân tích kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tăng trở lại trong 3 tháng của quý hai, khi giá năng lượng giảm làm giảm sức ép đối với ngân sách hộ gia đình, tuy nhiên đà phục hồi chắc chắn sẽ rất thấp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 7/6 đưa ra dự báo rằng khu vực eurozone sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, chưa bằng một nửa so với Mỹ.

im-796567.jpg
Giá thực phẩm vẫn ở mức cao so với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách châu Âu (Ảnh: Zuma)

Tại sao Mỹ không bị suy thoái?

Sự khác biệt chủ yếu giữa eurozone và Mỹ chính là chi tiêu của người dân. Người dân Mỹ đang chi tiêu mạnh tay cho những hoạt động mà họ đã từ bỏ do lệnh phong toả giai đoạn đại dịch – như du lịch, hoà nhạc và ăn nhà hàng. Không giống như người dân châu Âu, người Mỹ không phải cắt giảm chi tiêu đối với hàng hoá.

Ở châu Âu, chi tiêu hộ gia đình giảm cả trong quý cuối cùng của năm ngoái lẫn quý đầu năm 2023. Nhập khẩu cũng giảm mạnh cả trong hai quý, một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của eurozone đang ảnh hưởng tới các doanh nghiệp ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Một nguyên nhân gây ra khoảng cách về kinh tế giữa châu Âu và Mỹ chính là lượng tiền tiết kiệm mà người Mỹ tích luỹ được trong giai đoạn đại dịch. Oxford Economics ước tính rằng, trong khi khoản tiền tiết kiệm dôi thừa ở Mỹ chiếm khoảng 8,3% sản lượng kinh tế thường niên vào cuối năm 2022, thì ở eurozone chỉ là 5%. Người Mỹ cũng sẵn sàng chi tiêu khoản tiết kiệm đó, trong khi các cuộc thăm dò mới đây cho thấy người dân châu Âu lại tỏ ra dè dặt hơn, do cuộc chiến ở Ukraine.

Ở châu Âu, mặc dù giá năng lượng đã giảm so với mức đỉnh năm 2022, giá thực phẩm vẫn tiếp tục tăng với nhịp độ nhanh, làm suy yếu chi tiêu hộ gia đình đối với các loại hàng hoá và dịch vụ khác. Giá thực phẩm ở Mỹ chỉ tăng với nhịp độ bằng một nửa châu Âu, tính đến thời điểm hiện tại.

Hàng loạt đợt nâng lãi suất của ECB, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, giờ đã gây tác động tới hệ thống tài chính của eurozone. Tác động đối với đà tăng trưởng của các đợt nâng lãi suất sẽ còn thấm dần trong những tháng tới đây, khi ECB đánh tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp lần thứ 8 liên tiếp.

OECD dự báo rằng lạm phát ở khu vực eurozone sẽ giảm xuống còn 5,8% trong năm nay, từ mức 8,4% trong năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 3,2% mà ECB đặt ra cho năm 2024.

im-796568.jpg
Isabel Schnabel, một thành viên trong uỷ ban điều hành ECB, cho rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc (Ảnh: Getty)

Những mắt xích yếu

Một nguyên nhân khiến eurozone trượt vào suy thoái chính là Ireland – từng là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khối. Nước này chứng kiến sản lượng suy giảm tới 44,7% trong tháng 3 năm nay, khiến cho GDP giảm 17,3% trong quý đầu tiên, so với cùng kỳ năm ngoái.

Văn phòng thống kê Ireland vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính thức gây ra đà giảm này, nhưng các con số mà họ công bố trong hôm thứ Tư cho thấy đà phục hồi 70,7% trong tháng 4, điều này cho thấy đà giảm trong quý đầu tiên sẽ không kéo dài.

Đà tăng trưởng nghèo nàn của eurozone tính đến thời điểm này trong năm đã phản ánh lại tầm ảnh hưởng của chiến sự ở Ukraine. Nền kinh tế Nga đã thu hẹp 2% trong năm ngoái, và OECD dự báo rằng nó sẽ tiếp tục thu hẹp thêm 1,5% trong năm nay và 0,4% trong năm 2024. Nền kinh tế Ukraine cũng thu hẹp 1/3 trong năm 2022 và chắc chắn sẽ tiếp tục gánh thêm tổn thất do vụ vỡ đập và nhà máy thuỷ điện trong tuần này.

Ở Mỹ, không giống như châu Âu, sự suy yếu của thị trường lao động là điều cần thiết để Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia tuyên bố tình trạng suy thoái. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra ở eurozone, khi mà tỷ lệ có việc làm tăng 0,6% trong quý đầu tiên.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal