EU sắp áp thuế hàng tỉ euro đối với ô tô điện Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Brussels sắp áp thuế xe điện của Trung Quốc, kế hoạch dự kiến ​​mang lại hơn 2 tỉ euro mỗi năm, bất chấp cảnh báo của Đức rằng động thái này có nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Mẫu SUV Yangwang U8 của BYD. Các mức thuế bổ sung ở châu Âu sẽ ảnh hưởng xấu tới các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bao gồm BYD và SAIC (Ảnh: Getty)
Mẫu SUV Yangwang U8 của BYD. Các mức thuế bổ sung ở châu Âu sẽ ảnh hưởng xấu tới các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc bao gồm BYD và SAIC (Ảnh: Getty)

Ủy ban Châu Âu dự kiến thông báo cho các nhà sản xuất ô tô trong hôm 12/6 rằng họ sẽ tạm thời áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 25% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7, theo Financial Times. Brussels lập luận rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, từ đó gây tác động tới các đối thủ châu Âu của họ.

Kế hoạch áp thuế do Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ sẽ giúp ngân sách của EU tăng hàng tỉ euro mỗi năm, khi doanh số bán xe điện của Trung Quốc tăng lên ở châu Âu. Theo các nhà phân tích tại Rhodium Group, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của EU, đã xuất khẩu lượng xe điện trị giá 10 tỉ euro sang EU vào năm 2023, tăng gấp đôi thị phần lên 8%.

Bắc Kinh cảnh báo họ sẽ trả đũa trong lúc tìm cách thuyết phục các nước EU phản đối mức thuế mới, cao hơn mức thuế 10% hiện tại. Được biết, Bắc Kinh đã áp dụng mức thuế 15% đối với xe điện châu Âu.

Đức, Thụy Điển và Hungary cho biết họ không tán thành động thái áp thuế vì lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Các quan chức EU cho biết Berlin đã gây áp lực lên bà Ursula von der Leyen, người đang tìm kiếm nhiệm kỳ Chủ tịch ủy ban thứ hai, để từ bỏ cuộc điều tra chống trợ cấp.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã cảnh báo rằng “sự cô lập và các rào cản hải quan bất hợp pháp”...cuối cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và mọi người trở nên nghèo hơn”.

Tuy nhiên, việc vận động hành lang mạnh mẽ của chính phủ ông Scholz “đã không có tác dụng”, theo một nguồn tin. Người này cho biết, ủy ban dự kiến ​​sẽ tăng thuế lên khoảng 35%, mặc dù vẫn chưa bằng mức thuế 100% mà Mỹ áp dụng.

Các mức thuế bổ sung ở châu Âu sẽ đánh vào các nhà sản xuất Trung Quốc bao gồm BYD và SAIC, cũng như các công ty như Tesla có nhà máy ở Trung Quốc. Các mức thuế có thể khác nhau tùy theo nhà sản xuất, tùy thuộc vào mức trợ cấp mà EU tuyên bố là đã xác định.

Viện Kiel, một tổ chức tư vấn kinh tế, nhận thấy rằng mức thuế bổ sung 20% ​​đối với ô tô điện của Trung Quốc sẽ làm giảm 1/4 lượng nhập khẩu. Họ tính toán rằng với 500.000 xe được nhập khẩu vào năm 2023, con số này tương ứng với khoảng 125.000 chiếc, trị giá gần 4 tỉ USD.

“Sự sụt giảm phần lớn sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng sản xuất bên trong EU và khối lượng xuất khẩu xe điện thấp hơn, điều này có thể đồng nghĩa với việc giá cho người tiêu dùng cuối cùng sẽ cao hơn đáng kể”, các nhà nghiên cứu kết luận.

Ủy ban kỳ vọng xe điện Trung Quốc sẽ chiếm 15% thị phần tại EU vào năm tới. Họ cho biết giá xe Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với giá của các mẫu do EU sản xuất.

Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại EU, thừa nhận xe điện rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh khi ông công bố cuộc điều tra vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng ông nói thêm: “Cạnh tranh phải công bằng”.

Theo các quan chức, cơ quan của ông Dombrovskis đã thu thập được bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và các nhà cung cấp của họ đã nhận được các khoản vay trợ cấp, giảm thuế và đất đai giá rẻ.

Nhiều nhà sản xuất ô tô EU đã lên án kế hoạch áp thuế này vì lo ngại Trung Quốc có thể đáp trả tương tự hoặc thậm chí chặn họ khỏi thị trường nước này. Các thương hiệu châu Âu chiếm khoảng 6% doanh số bán xe điện tại Trung Quốc vào năm 2022.

Đức xuất khẩu 216.299 ô tô sang Trung Quốc vào năm 2023, giảm 15% so với năm trước đó; các thương hiệu bao gồm Mercedes và Volkswagen cũng vận hành các nhà máy ở Trung Quốc.

Geely, một trong những công ty Trung Quốc bị điều tra, sở hữu thương hiệu Volvo của Thụy Điển. Thủ tướng Ulf Kristersson đã cùng với Thủ tướng Đức Scholz và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, người đã thu hút đầu tư xe điện của Trung Quốc, công khai phản đối biện pháp thuế của EU.

Ba nhà lãnh đạo sẽ cần phải đảm bảo có được sự ủng hộ của ít nhất 11 chính phủ khác để lật ngược quyết định của ủy ban về thuế quan. Các nước Trung Âu khác như Cộng hòa Séc và Slovakia dự kiến ​​sẽ tham gia phe đối lập.

Các nhà xuất khẩu thực phẩm và hàng xa xỉ như Italy cũng lo ngại về việc Trung Quốc có động thái trả đũa các sản phẩm của nước này.

Nhưng Pháp, quốc gia thúc đẩy cuộc điều tra để bảo vệ ngành công nghiệp của mình và buộc Trung Quốc đầu tư vào sản xuất ở đó, khó có thể nhượng bộ. Tây Ban Nha, một nhà sản xuất ô tô lớn khác, cũng cho biết sẽ ủng hộ thuế quan.

Các quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu bỏ phiếu về thuế quan trước ngày 2/11. Các mức thuế cuối cùng thường được áp dụng trong 5 năm.

Theo Financial Times