Với VNR, ký "được" thỏa thuận với SNP có thể coi là thành công lớn của tân Chủ tịch HĐTV Tổng công ty này – ông Vũ Anh Minh.
Vì tuy đã hơn 100 năm tuổi đời, được giao quản lý, khai thác toàn bộ mạng lưới đường sắt Việt Nam, nhưng thế và lực của VNR thua xa SPN – doanh nghiệp đi lên từ một xí nghiệp xếp dỡ mới vài chục năm tuổi, nhưng đã kịp nắm tới 50% thị phần xếp dỡ, khai thác container cả nước.
Đã thế, suốt nhiều năm trước, trong thế khốn khó, rệu rã của hệ thống vận tải đường sắt, trước áp lực nặng nề của nhu cầu vận tải, các lãnh đạo đường sắt đã tìm đủ cách để tiếp cận được các "chân hàng" lớn nhất từ các cảng biển. Nhưng kết quả hoàn toàn không được như mong muốn.
Cuối năm 2016, làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc VNR khá… ngượng, khi thừa nhận: "Thị phần vận tải đường sắt thấp và ngày càng suy giảm, chỉ đạt 3,2% tổng lượng vận chuyển hành khách và đạt 1,9% tổng lượng vận chuyển hàng hóa toàn ngành".
Do thế, việc ký được thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhà xếp dỡ, khai thác container lớn nhất Việt Nam - Tân Cảng Sài Gòn - đúng là "hi vọng lớn" với ngành đường sắt.
Về thỏa thuận, trước tiên hai doanh nghiệp đồng ý xây dựng 2 cảng cạn (ICD) tại ga Sóng Thần thuộc tỉnh Bình Dương (phía Nam) và ga Yên Viên thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội (phía Bắc), đầu tư máy móc hiện đại để rút ngắn thời gian xếp dỡ và tăng khả năng thu gom hàng hóa trên các tuyến tập trung lượng lớn hàng hóa vận chuyển bằng container.
Sau đó, hai doanh nghiệp cũng đồng thuận từng bước mở rộng mô hình hợp tác, với việc đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ trên các ga của mạng đường sắt quốc gia.
Thách thức trước tiên với ngành đường sắt, là sẽ phải xúc tiến cải tạo, xây dựng hai khu ga tại hai đầu Nam – Nam thành trung tâm kho bãi chuyên dụng làm hàng container cho ngành đường sắt.
Đồng thời với đó là phải thực hiện đầu tư nâng cấp thêm, mua mới thêm các toa xe chuyên dụng cho vận chuyển hàng container.
Hỗ trợ cho thỏa thuận này, VNR đang đề nghị chính phủ thu xếp khoảng 7.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, để đầu tư kéo dài các tuyến đường tránh tại các ga lên 500 m, đảm bảo tăng được năng lực phục vụ cho đoàn tàu có chiều dài tới 26 toa, thay vì chỉ 19 toa như hiện nay
Với Tân Cảng Sài Gòn, thách thức thực sự khi tham gia vào thỏa thuận này là không nhiều. Là nhà xếp dỡ, khai thác container lớn nhất cả nước, doanh nghiệp này thực sự mong muốn đường sắt được "kéo" vào tận các cảng trực thuộc, để từ đó tối ưu hơn nữa dịch vụ container đang cung cấp.
Hiện khả năng kết nối đến tận cảng biển của hệ thống đường sắt Việt Nam vẫn hạn chế, cộng với việc sử dụng khổ đường 1m có từ hơn 100 năm trước và chậm đổi với cung cách phục vụ là những nguyên nhân cản trở chính sự phát triển của ngành đường sắt.
Do vậy, qua thỏa thuận này sẽ hình thành và khai thác được hai cảng cạn tại hai khu ga hàng hóa lớn nhất ở hai đầu Nam – Bắc là dự án có lợi cho hoạt động thu gom và làm hàng container cho Tân Cảng Sài Gòn nói riêng, cũng như các doanh nghiệp nói chung.