Dung túng cho gian lận là ươm “mầm non” gian dối

VietTimes  - Những ngày này, khi bê bối giáo dục nóng trên các mặt báo, thì vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của dư luận là việc xử lý các thí sinh gian lận điểm. Bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới các thế hệ tương lai của đất nước.
Khởi tố vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.
Khởi tố vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.

Thái độ nào cách xử lý ấy

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định các bài thi nghi gian lận điểm, đã có những cách xử lý thí sinh gian lận khác nhau.

Công bố hay không công bố danh tính thí sinh là điều được mọi người quan tâm. Viện dẫn những quy chế, quy định hiện hành, Bộ GĐ &ĐT xử lý bằng cách trả danh sách 108 thí sinh kèm điểm chấm thẩm định về hai sở GĐ &ĐT Sơn La và Hòa Bình. Các trường có sinh viên đang theo học ở hai tỉnh này, sử dụng điểm xét tuyển vào trường từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, tự liên hệ với hai tỉnh này để đối chứng, so sánh.

Kết quả là có 53 sinh viên đang theo học tại các trường khối công an bị buộc thôi học. Bộ Công an đã trả tất cả các thí sinh có gian lận về địa phương, còn các trường khác đều xử lý giống nhau, buộc thôi học các trường hợp thí sinh gian lận không đủ điểm đỗ vào trường, các trường hợp còn lại tiếp tục được theo học, do điểm chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển.

Việc công khai danh tính 108 thí sinh gian lận tới thời điểm này vẫn nằm trong vòng “kín”. Sự quan tâm tiếp tục chuyển sang cách xử lý thí sinh gian lận điểm của các trường đại học, học viện… có sinh viên tới từ Sơn La, Hòa Bình.

Nhưng hai cách xử lý với sinh viên liên quan tới gian lận điểm khiến mọi người hoài nghi rằng nhân văn có bị đặt nhầm chỗ. Khi hàng trăm cơ hội, ước mơ, hoài bão về nghề nghiệp của các học sinh khác đã bị cướp mất bởi những người gian dối. Vậy mà vẫn còn những sinh viên gian dối vẫn tiếp tục được học đại học.

Sự bất công bằng trong xã hội còn là bởi, rồi ai phải là người chịu trách nhiệm cho hàng tỉ đồng chi phí đào tạo lãng phí do các sinh viên đã học gần một năm trời bị đuổi học. Tính trung bình chi phí đào tạo nhà trường chi trả cho một sinh viên khoảng 2 triệu/tháng thì chúng ta đã lãng phí tới gần 2 tỉ đồng.

Ở đây cần phải đặt câu hỏi: Có phải sự nhân văn đang được lợi dụng để bao biện cho những sai lầm mà chưa có ai dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm?

Danh sách các phụ huynh, người thân của các thí sinh gian lận là những cán bộ lãnh đạo đương nhiệm, những chủ doanh nghiệp… Có những bài thi được nâng khống từ 0 thành 9 điểm, có những thí sinh tổng điểm 3 môn xét tuyển vào đại học được nâng hơn 26 điểm, được nâng quá đà trở thành thủ khoa, á khoa các trường đại học trong khi các bạn khác phải “khóc ròng” vì mình chỉ thiếu 0,25 điểm để đỗ vào trường.

Và trước sức ép dư luận xã hội, đại diện Bộ GĐ &ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời rằng, 12 trường hợp thí sinh gian lận nhưng vẫn đủ điểm đỗ vào các trường đại học, hiện đang được các trường cho theo học, sẽ được xử lý nghiêm sau khi xác minh, làm rõ được gian lận.

Những lỗ hổng đã được cảnh báo

Ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT)- người từng phụ trách mảng CNTT của Bộ GĐ &ĐT, đã chỉ ra khả năng gian lận sẽ cao hơn khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại địa phương: “Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm”.

Rồi các bài thi trắc nghiệm có nguy cơ được sửa chữa dễ dàng, vì phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách, nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời là của ai. “Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác”, ông Quách Tuấn Ngọc khẳng định.

Nhưng đáng tiếc, những cảnh báo rất quan trọng này đã không được xem trọng

Sau 5 năm thực hiện kỳ thi 2 trong 1 (từ năm 2014) tới nay, những thay đổi trong ngành giáo dục có một “thành quả” đáng ghi nhận là bê bối, gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử với 222 thí sinh gian lận điểm chác bị phanh phui. Cùng với đó là danh sách những phụ huynh của các học sinh gian lận điểm là những người đang giữ những trọng trách của tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Nghịch lý là hầu như năm nào trước kỳ thi, Bộ GĐ &ĐT cũng khẳng định kỳ thi năm nay được chuẩn bị kỹ càng hơn trước, phát huy được những ưu điểm và khắc phục những mặt hạn chế của kỳ thi trước. Nhưng với những gì đang thấy thì rõ ràng, vấn đề quan trọng là Bộ này cần phải xem xét lại quy trình tổ chức thi để đưa một giải pháp tích cực nhằm khắc phục những lỗ hổng trên, lại chưa thấy. 

Danh sách gian lận thi cử làm rung động dư luận xã hội
Danh sách gian lận thi cử làm rung động dư luận xã hội

Vụ bê bối cũng cho thấy nghi vấn về đường dây chạy điểm là có cơ sở. Công tác quản lý bài thi lỏng lẻo “giúp” cho Trưởng phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang Nguyễn Thanh Hoài dễ dàng chỉ đạo nâng điểm cho 330 bài thi của 114 thí sinh của tỉnh này. Tại Sơn La, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến “phi tang” chứng cứ sửa bài thi để công tác điều tra gặp khó khi không tìm được nhiều bài thi gốc. Tại Hòa Bình, Phó Hiệu trưởng Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận 550 triệu đồng để nâng điểm cho 140 bài thi.

Có lẽ đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và cũng không phải bỗng dưng danh sách những người có quyền, có tiền có con nằm trong danh sách gian lận điểm được nhiều người quan tâm đến thế, Bởi thông thường, không ai dại gì phạm pháp để sửa điểm cho những người không có lợi thế trong xã hội.

Và cũng có phải vì những người liên quan trong các kỳ thi chung đã thờ ơ, không đếm xỉa tới các cảnh báo từ trước để khi vụ việc vỡ lở cho thấy hậu quả khủng khiếp đến vậy. Và cũng có phải vì những kẽ hở này đã bị lợi dụng từ nhiều năm trước mà tới năm 2018, hàng trăm bài thi được sửa chữa, nâng điểm?

Hệ lụy của những gian lận thi cử

Hàng trăm bài thi được sửa chữa, nâng điểm. Đã có những  thí sinh trong danh sách gian lận điểm bị đuổi học. Nhưng chưa có thí sinh hay phụ huynh, lãnh đạo nào trong danh sách kia công khai nhận trách nhiệm, chịu thừa nhận mình đã chạy điểm cho con em mình.

Vụ việc xảy ra cho thấy, việc thừa nhận mình sai và đứng ra xin lỗi, giờ đây có lẽ là một việc khó. Sâu xa đó chính là văn hóa ứng xử, là thói sĩ diện, hãnh tiến, sính bằng cấp. Hình ảnh những giáo sư, hiệu trưởng các trường đại học của Nhật Bản cúi thấp đầu, rạp mình xin lỗi người dân, nhận trách nhiệm về các bê bối giáo dục của nước này là một cách ứng xử  mà nhiều người phải nhìn vào.

Xảy ra hàng loạt vụ việc như vậy trong giáo dục nhưng hiếm khi thấy Bộ trưởng Bộ GĐ &ĐT công khai trả lời công luận, hay nhận trách nhiệm. Sau mỗi lần vẫn chỉ có các điệp khúc “không chấp nhận được, phải xử lý nghiêm, tôi mong rằng…” trên mặt báo.

Từng có những nghiên cứu, hội thảo lớn được tổ chức nhằm tìm cách ngăn chặn sự tha hóa đạo đức. Vậy mà khi có cơ hội để sửa sai thì chính những vị lãnh đạo trong ngành giáo dục lại chậm trễ, bỏ qua cơ hội để thay đổi.