Dự án này bắt nguồn từ đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư du lịch đã xây dựng các khu resort tại vùng ven biển Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam).
Sau đó đến năm 2007 Bộ Giao thông vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.
Tháng 4/2008 Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Thuận ra văn bản thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (Vinacomin - TKV) làm chủ đầu tư.
Dự án cảng Kê Gà có chiều dài 2,3km bờ biển, tổng diện tích 366 ha, nhằm phục vụ nhu cầu đưa bauxite từ Tây nguyên xuống. Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD.
Từ sau thời điểm này, các nhà đầu tư du lịch bị buộc phải nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia này.
Theo kế hoạch, cảng Kê Gà khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không khởi công.
Ngày 18/2/2013, tại buổi làm việc với sự tham dự của các cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.
Đến năm 2014 Văn phòng Chính phủ chính thức có công văn số 1166/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đối với dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận). Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dừng đầu tư cảng Kê Gà như kiến nghị của Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư cảng tổng hợp cho các dự án bauxite, titan và hàng hóa tổng hợp khác cho giai đoạn sau năm 2020, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức thực hiện việc đánh giá bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thu hồi đất phục vụ Dự án cảng Kê Gà và chi trả việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Đến nay, các chủ doanh nghiệp du lịch vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, lâm vào cảnh nợ nần và đang sửa sang lại các khu du lịch bị bỏ hoang nhiều năm để vớt vát thiệt hại.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi lập ra hội đồng giám định thiệt hại với sự có mặt của đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản VN (TKV) đã xác định số tiền bồi thường trên 85,7 tỉ đồng cho 9 dự án du lịch. Tuy nhiên, TKV sau đó chỉ chấp thuận bồi thường trên 37,4 tỉ đồng.
Đến nay UBND tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục đề nghị Bộ Công thương yêu cầu bồi thường số tiền 85,7 tỉ đồng cho các doanh nghiệp. Giá trị bồi thường được tính tại thời điểm năm 2015 nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Mới đây một số chủ chủ doanh nghiệp bị thiệt hại đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị Bộ Công thương cho phép các doanh nghiệp bị thiệt hại do dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) giám định độc lập thiệt hại.
Các doanh nghiệp này muốn giám định thiệt hại độc lập vì họ cho rằng số tiền bồi thường thiệt hại dự tính cho họ thấp hơn con số thiệt hại trên thực tế.