Đức công bố kế hoạch điều quân có thể khiến Bắc Kinh tức giận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đức sẽ tiếp tục điều quân lực đến châu Á sau khi triển khai một chiến hạm tới Biển Đông lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, người đứng đầu Hải quân nước này tuyên bố.
Tàu khu trục BAyern của Đức, trọng tải 3.600 tấn, neo tại Singapore sau khi bằng qua Biển Đông (Ảnh: EPA)
Tàu khu trục BAyern của Đức, trọng tải 3.600 tấn, neo tại Singapore sau khi bằng qua Biển Đông (Ảnh: EPA)

Việc Đức cử tàu khu trục lớp Brandenburg Bayern đi qua vùng biển giàu tài nguyên này diễn ra trong lúc mà các nước phương Tây tăng cường các hoạt động hàng hải của họ trong năm nay, do lo ngại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng biển có tranh chấp. Lần gần nhất mà một chiến hạm Đức băng qua Biển Đông là vào năm 2002.

Ngày 21/12, phát biểu trước các phóng viên trên tàu Bayern tại căn cứ hải quân Changi của Singapore, Tư lệnh Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbach, đã mô tả việc triển khai con tàu khu trục này tới Biển Đông như “phần mở đầu”.

Với 200 thủy thủ trên khoang, tàu Bayern đã bắt đầu hành trình đến châu Á vào tháng 8, có các chặng dừng chân ở Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi băng qua Biển Đông và tới Singapore. Con tàu này sẽ tiếp tục đến Việt Nam, Sri Lanka và Ấn Độ trước khi trở về căn cứ.

Giới chức Đức trước đó nói rằng hành trình của tàu Bayern là nhằm thể hiện rằng Đức “sẵn sàng đứng dậy vì những giá trị và lợi ích của chúng tôi, cùng với các đối tác và đồng minh của chúng tôi”.

Ông Schonbach nói rằng Đức sẽ “duy trì” sự hiện diện của họ ở châu Á, và hy vọng sẽ triển khai thêm nhiều chiến hạm, có thể là cả máy bay, tới khu vực này bắt đầu từ năm 2023.Kế hoạch này, theo ông, sẽ bao gồm 2 chiến hạm của Đức trong lần kế tiếp – gồm 1 tàu khu trục và 1 tàu hỗ trợ.

Bằng sự tăng cường hiện diện trong khu vực, Đức đã tìm cách đưa ra một “triển vọng mới” cho các nước trong khu vực, ngoài những đề xuất mà các cường quốc lớn khác như Trung Quốc và Mỹ đưa ra, ông Schonbach nói. Tuy nhiên, Berlin sẽ áp dụng hướng tiếp cận từ từ trong kế hoạch triển khai quân lực ở châu Á.

Tàu Bayern cập cảng trong hành trình tới châu Á (Ảnh: Kyodo News)

Tàu Bayern cập cảng trong hành trình tới châu Á (Ảnh: Kyodo News)

Khi nhận được câu hỏi rằng tại sao tàu Bayern không băng qua eo biển Đài Loan, ông Schonbach trả lời rằng, hành trình đầu tiên của Hải quân Đức tới khu vực sau 19 năm tập trung vào “các đối tác giá trị” của Berlin, chứ “không bắt đầu bằng một cây búa”.

Được biết, những hành động quân sự của Mỹ và các đồng minh ở khu vực sát Đài Loan thường bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt.

“Lần này, chúng tôi bắt đầu bằng những bước đi nhỏ…có lẽ chúng tôi sẽ băng qua eo biển Đài Loan trong lần tới, dựa trên nền tảng song phương” – ông Schonbach nói

Giống như các quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây, ông Chonbach nhắc lại rằng lợi ích chủ yếu của Berlin trong khu vực này là duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Bắc Kinh thì coi trật tự dựa trên luật pháp mà Mỹ và các đồng minh nhắc tới như một mô hình quản trị toàn cầu chỉ đem lại lợi ích cho phương Tây. Anh và Pháp cũng từng nhắc tới tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật pháp sau các đợt triển khai quân lực ở châu Á trong năm nay.

Đại sứ Đức tại Singapore, ông Norbert Riedel, đã hoan nghênh chính quyền nước này vì cùng chia sẻ quan điểm với Đức về việc duy trì an ninh, sự ổn định và tự do của khu vực. “Chúng tôi có sự tin tưởng chung vào một trật tự đa phương dựa trên luật pháp, chia sẻ trách nhiệm chung trong việc gìn giữ luật pháp quốc tế xét về an ninh và tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế”, ông nói.

Tư lệnh Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbach (Ảnh: AP)

Tư lệnh Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbach (Ảnh: AP)

Trong một bài viết đăng tải trên tờ The Strait Times hôm đầu tuần này, ông Riedel nói rằng Đức “đặc biệt quan ngại về việc áp đặt các tuyên bố hàng hải phi pháp và rộng lớn trên Biển Đông”. Không nêu đích danh một nước nào, ông viết rằng Berlin còn quan ngại về hành động “đe dọa nhằm vào các nước khác trong khu vực”.

Trong phần lớn khoảng thời gian cầm quyền kéo dài 16 năm của cựu Thủ tướng Angela Merkel, Đức luôn phải “đi trên dây” khi một mặt phải duy trì quan hệ chiến lược với đồng minh Mỹ cùng lúc tránh đưa ra quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của họ.

Thế nhưng, quan điểm đó mới đây đã thay đổi, trong lúc mà Liên minh châu Âu (EU) tỏ rõ thái độ cứng rắn của họ đối với Bắc Kinh, đặc biệt là khi đưa ra những cáo buộc về nhân quyền.

Tháng 9 vừa qua, Đức cho hay Bắc Kinh đã từ chối cho tàu Bayern của họ cập một trong số những cảng của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó nói rằng, Bắc Kinh hy vọng những nước bên ngoài khu vực sẽ đóng “vai trò xây dựng” trong khu vực và rằng “Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa Trung Quốc và Đức, trong đó có hợp tác giữa quân đội hai bên”.