Dư luận nói gì về cuộc tập trận đổ bộ Trung Quốc đã tiến hành ở Biển Đông? (phần 3)

VietTimes -- Theo một số nhận đinh, khu vực diễn tập lần này gần hơn với đảo Hải Nam và việc thu nhỏ phạm vi được báo Trung Quốc cho là nước này đã giữ thái độ “kiềm chế”. 
Lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc diễn tập thực binh.
Lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc diễn tập thực binh.

Tập trận đổ bộ quy mô lớn ở Biển Đông

Tờ Đại kỷ nguyên tiếng Hoa có trụ sở tại Mỹ cho rằng sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Quân đội Trung Quốc đã liên tiếp có nhiều động thái quân sự trong đó có tiến hành tuần tra, tập trận trên Biển Đông. 

Việc Tân Hoa xã công bố thông tin ông Phạm Trường Long đúng vào thời điểm Quân đội Trung Quốc tiếp tục tổ chức một cuộc tập trận thứ hai trong tháng qua trên Biển Đông (từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016) đã gây chú ý cho dư luận. 

Dư luận đồn đoán rằng cuộc tập trận này rất có thể bao gồm cuộc diễn tập đổ bộ liên hợp có quy mô tương đối lớn.

Một loạt nắm đấm tổng hợp này của Quân đội Trung Quốc có thể là một phần của đợt phô trương sức mạnh mới của Trung Quốc trên Biển Đông – Thời báo Hoàn Cầu khẳng định vào ngày 21/7. 

Dư luận quốc tế cũng rất quan tâm đến chuyến thị sát lần này của Phạm Trường Long. Hãng tin AP Mỹ ngày 20/7 cho rằng trong thời gian Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson thăm Trung Quốc, Phạm Trường Long gần đây thị sát ở Chiến khu miền Nam, chiến khu này phụ trách tác chiến ở Biển Đông.

Tờ Nhật báo Phương Đông Hồng Kông cho rằng ông Phạm Trường Long yêu cầu Quân đội Trung Quốc nâng cao khả năng ứng phó quân sự và khả năng đột kích ứng phó khẩn cấp, tăng cường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức chặt chẽ tuần tra cảnh giới trên biển, trên không, bảo đảm an ninh biên giới, trên biển, trên không. 

Không ít người đã liên hệ chuyến thị sát của Phạm Trường Long với cuộc diễn tập do Trung Quốc tổ chức ở khu vực phía đông đảo Hải Nam.

Đánh giá về địa điểm, quy mô diễn tập

Theo một nguồn tin của tờ Thời báo Hoàn Cầu, khu vực diễn tập lần này nằm ở phía đông đảo Hải Nam, so với khu vực diễn tập của hải, không quân trước đó (từ ngày 5 đến ngày 11/7/2016), khu vực hoạt động quân sự lần này (diễn ra từ ngày 19 – 21/7) có 2 đặc điểm lớn:

Một là diện tích tương đối nhỏ, không bằng 1/10 của khu vực diễn tập hải quân lần trước. Hai là gồm có cả bộ phận đất liền của đảo Hải Nam. Trong khi đó, trong cuộc diễn tập lần trước hoàn toàn không có đảo cỡ lớn và tuyến đường bờ biển. 

Do khu vực diễn tập tương đối nhỏ, có thể hoàn toàn không thích hợp với diễn tập đối kháng trên biển quy mô lớn, cộng với đã bao gồm một khu vực đất liền dài, cuộc diễn tập lần này rất có thể là một cuộc diễn tập đổ bộ quy mô tương đối lớn. 

Tàu đổ bộ, chiến đấu, bảo đảm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Tàu đổ bộ, chiến đấu, bảo đảm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, khu vực diễn tập gần hơn với đảo Hải Nam và việc thu nhỏ phạm vi được báo Trung Quốc cho là nước này đã giữ thái độ “kiềm chế”. 

Chuyên gia cho rằng, hải, không quân trước đó đã lần lượt tiến hành diễn tập quy mô lớn, nhưng về cơ bản là tiến hành diễn tập riêng. Trước đó, quy mô diễn tập đổ bộ của hải quân cũng tương đối nhỏ. Do đó, cuộc diễn tập lần này có khả năng là diễn tập tác chiến đổ bộ liên hợp. 

Năm 2016, hải, không quân Trung Quốc hầu như vẫn chưa triển khai hoạt động huấn luyện, diễn tập liên hợp trên Biển Đông. Nếu lực lượng tên lửa xuất hiện trong cuộc diễn tập lần này, bắn tên lửa ở Biển Đông thì đây có thể là một cuộc diễn tập rất có ý nghĩa về mặt tỏ thái độ và có hiệu ứng gây chấn động. Nhưng, theo thói quen, trong những cuộc diễn tập như vậy thường rất ít xuất hiện lực lượng tên lửa. 

Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 20/7 cho rằng Trung Quốc đã tăng mạnh các hành động quân sự sau khi thua kiện trước Philippines, qua đó tìm cách khẳng định quyết tâm áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp ở Biển Đông. 

Chuyên gia cho rằng căn cứ vào thông lệ trước đây, nếu quân đội thực sự tiến hành cuộc diễn tập liên quan, những hình ảnh gây chấn động nhất của cuộc diễn tập có thể xuất hiện cuối cùng. Trong khi đó, giai đoạn đầu của cuộc diễn tập rất có thể là phối hợp và phân chia tập luyện giữa các quân binh chủng. 

Bài báo nhận định đợt diễn tập cấp chiến dịch trên biển lần trước của Quân đội Trung Quốc trên Biển Đông đã có tác dụng “đe dọa” và “cảnh cáo” khá mạnh, đồng thời đã thể hiện Trung Quốc quyết áp đặt yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. 

Sau khi có kết quả phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc từng bước triển khai đợt phô trương vũ lực lần thứ hai. Các máy bay quân sự Trung Quốc như máy bay ném bom H-6K “tuần tra” Biển Đông chỉ là một phần của đượt phô trương vũ lực này. 

Đón đọc phần tiếp theo: Quân đội Trung Quốc phô diễn gì cụ thể trong chuyến thị sát của Phạm Trường Long?