Khách xếp hàng đi tàu điện
Ngày 8/8, metro Nhổn - ga Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Thủ đô bắt đầu vận hành thương mại đoạn trên cao sau hơn 14 năm khởi công.
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều người cao tuổi, học sinh, sinh viên đã đến các nhà ga để trải nghiệm lần đầu đi tàu. Hành khách xếp hàng ở quầy nhận vé từ miễn phí, được hướng dẫn cách sử dụng để lên tàu thử nghiệm đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km.
Vừa bước xuống tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, Lâm Oanh, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nở nụ cười mãn nguyện.
Nữ sinh viên cho biết, hằng ngày bản thân di chuyển bằng xe máy từ Nhổn đến trường mất 40 phút khiến cô khá mệt mỏi vì tắc đường và khói bụi.
"Hôm nay tôi đi thử tàu điện đến trường hết có 10 phút. Tàu đi rất êm, nhanh và mát mẻ". Oanh nói.
Cô gái 21 tuổi chia sẻ, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đưa vào vận hành thương mại sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường 32 hiện nay đã rất đông và chật chội. Giúp người dân tiết kiệm được thời gian di chuyển, giảm lượng khí thải ra môi trường.
"Từ ngày mai tôi sẽ bỏ xe máy, lựa chọn tàu điện để đến trường", nữ sinh nói.
Tương tự, anh Phạm Đức Thịnh (29 tuổi) nhận xét, nhà ga và tàu Metro Nhổn -ga Hà Nội đẹp, đi thích hơn tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Anh Thịnh chờ đợi hơn 14 năm chuyến tàu đi vào vận hành thương mại để đi làm bởi công ty anh ở Cầu Giấy, thuận lợi cho quãng đường di chuyển từ nhà đến cơ quan.
"Tàu đi nhanh, từ nay, tôi sẽ không sợ phải đi làm muộn nữa", anh Thịnh nói và cho hay, nếu dưới ga tàu có thêm bãi gửi xe máy cho người dân thì tuyệt vời hơn.
Vừa trở về từ Ba Lan cách đây 2 ngày, Minh Phương (18 tuổi) nữ du học sinh đã có dịp trải nghiệm tàu điện tuyến Nhổn - ga Hà Nội, cùng với bạn.
Ở Ba Lan, Minh Phương thường xuyên di chuyển bằng tàu điện để đi học, đi chơi.
"Về dịch vụ và tốc độ tôi thấy tàu điện ở Việt Nam khá giống với Ba Lan", Minh Phương nói và cho biết, điểm khác biệt duy nhất là bên Ba Lan tàu chạy dưới lòng đất, còn Việt Nam tàu chạy trên cao.
Ở Ba Lan người dân sử dụng phương tiện công cộng chiếm 70%, cô hi vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng được nhiều tuyến đường sắt đô thị như này.
"Đi tàu vừa mát mẻ, sạch sẽ lại bảo vệ môi trường", nữ du học sinh chia sẻ.
Hơn 11.000 người đi tàu trong 6h
Chia sẻ về ngày đầu tiên tuyến metro vận hành thương mại, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cho biết nhiều người dân tò mò để trải nghiệm nên lượng khách đến các ga trong ngày đầu tiên rất đông.
Theo ông Trường, cập nhật số liệu sau 1 tiếng đón khách, đến 9h đơn vị đã có 2.119 hành khách đi trải nghiệm, đến 10h số hành khách đã gấp đôi lên tới 4.670 hành khách. Đến 14h, đã có 11.146 hành khách di chuyển đi tàu.
Sau ngày đầu khai trương, giờ mở tuyến từ 5h30 và đóng lúc 22h, cách 10 phút lại có một chuyến xuất phát. Sau 3 tháng, thời gian mở, đóng tuyến sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của hành khách.
Trong 15 ngày đầu, toàn bộ hành khách được miễn phí. Sau đó, giá vé lượt (vé chặng) đi một ga 8.000 đồng, đi cả tuyến 12.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, không hạn chế số lượt; vé tháng 200.000 đồng, ưu tiên cho học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng.
Hành khách mua vé tập thể được giảm còn 140.000 đồng/tháng. Trẻ dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật được miễn phí.
Dọc metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động để kết nối, trung chuyển hành khách, trong đó 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá; hai điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm).
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách. 353 lái tàu và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến đã được đào tạo với sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đắt thứ nhì Việt Nam với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng. Tuyến còn lại của Thủ đô Hà Nội là tuyến Cát Linh - Hà Đông khánh thành năm 2021, có tổng mức đầu tư 18.002 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư cao nhất Việt Nam hiện nay là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với khoảng 43.700 tỷ đồng, dài khoảng 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.