Trước thông tin dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vừa bị BQLKKT Hà Tĩnh chấm dứt hoạt động, chuẩn bị thu hồi, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn các ngân hàng phát triển (NHPT), Vietcombank, BIDV (chi nhánh Hà Tĩnh), được xem là nạn nhân dự án.
Cho vay nhưng không kiểm soát được đầu tư
Ông Võ Tá Nam, PGĐ Ngân hàng Phát triển Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhận được công văn 647 của BQL KKT tỉnh, ông đang cố gắng liên hệ chủ đầu tư để họp bàn giải pháp nhưng rất khó liên lạc. Nhất là các cổ đông lớn Vạn Lợi, Hợp Thành.
“Chúng tôi cho vay (NHPT cho vay hơn 600 tỷ) theo nghị quyết kêu gọi của tỉnh, ưu ái, tạo điều kiện cho dự án được đầu tư hoạt động. Nói thật tài sản đảm bảo tiền vay ở trong nhà máy, có nhiều cái chủ đầu tư cũng không nắm được, chứ nói gì ngân hàng chúng tôi.
Máy móc nhập về do Tổng thầu ECP (Trung Quốc). Chỉ khi nào tổng thầu sang để lắp đặt, mở ra mới biết được những gì đã đầu tư. Giờ phải kiểm toán lại toàn bộ mới có đánh giá được giá trị tài sản đã đầu tư thế nào, còn lại những gì sau nhiều năm bỏ hoang”, ông Nam nói.
“Bên tôi phải làm theo toàn bộ. Hồ sơ NHPT họ giữ. Mỗi lần giải ngân cho dự án thì NHPT thông báo cho các ngân hàng, góp vốn theo tỷ lệ đã cam kết. Như BIDV là 7%, Vietcombank là 8%.
Không phải chúng tôi không được phép thẩm định mà toàn bộ hồ sơ giao cho NHPT thẩm định. Ví dụ đợt này giải ngân 100 tỷ đồng, NHPT thẩm định và thông báo cho chúng tôi, hùn vốn theo tỷ lệ, chúng tôi 7% thì là 7 tỷ đồng. Nhiều anh tham gia nên nó nhoe ra”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng tiếp lời: “Khi cho vay, các NH có kiểm soát được rằng nhà đầu tư dùng tiền làm thật?”; “Họ vẫn làm, nhưng đến lúc hết vốn nên dừng lại. Theo quy định việc giải ngân song song giữa vốn của họ với NH. Nếu vốn họ có đủ 15%, các NH còn lại 85% thì đủ cho DA hoạt động. Đình trệ là do họ không có vốn”.
Vị GĐ BIDV Hà Tĩnh cay đắng thừa nhận: “Dự án chết khiến ngân hàng chết theo, đó là quy luật. Nói thật nếu không dừng lại thì đang giải ngân nhiều nữa. Vì tổng cam kết là hơn 1.000 tỷ, mới chỉ giải ngân hơn 1 nửa”.
Nói về phương hướng xử lý sau thu hồi, ông Hòa cho biết: “Giờ bán nhà cá nhân còn khó huống gì bán dự án này. Giờ tính phương án làm sao để bảo vệ trong đó rất đau đầu”.
“Tỉnh kêu gọi cho vay”
Tiếp xúc với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Lực, GĐ Vietcombank Hà Tĩnh bày tỏ mối lo khi hàng trăm tỷ đồng tiền nhà nước có nguy cơ mất trắng.
Hộp đựng thiết bị máy móc mục rửa. |
“Cái này (nhà máy thép - PV) không phải tới bây giờ, mà nhiều năm rồi. Vị phó chủ tịch tỉnh hồi đó nói ngân hàng lớn tham gia, tác động vào dự án, Vietcombank tham gia 6 - 7%. Kế hoạch là 100 tỷ đồng, nhưng thời ấy mới giải ngân 70 tỷ đồng” - ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, vừa rồi, các ngân hàng họp lại, khảo sát xem thiết bị máy móc còn gì nữa không. Mới đây có việc dân vào ăn trộm, bảo vệ biết nhưng bị dân đánh cho gãy xương sườn.
Cũng như BIDV, cơ sở để Vietcombank Hà Tĩnh cho vay 70 tỷ đồng cho DA, chỉ là làm theo khi NHPT thẩm định xong. Vì không tham gia thẩm định nên 2 NH này không biết được DA sẽ hiệu quả, khả thi như thế nào?
“Thời đó, chủ đầu tư đưa dự án ra thế chấp, gọi là tài sản hình thành sau vốn vay (tiền các ngân hàng giải ngân trước, sau đó mới lấy nhà máy thép ra thế chấp). Nên bây giờ, các ngân hàng có quyền thu hồi, bán để trả nợ. Giai đoạn đó, đang tính hiệu quả cao, bởi có sắt Thạch Khê, sắt Vũ Quang, chứ có ai nghĩ, không có hiệu quả đâu”, ông Lực nói.
Ông Lực cũng nhận định: “Họ bỏ chạy là đúng rồi, bởi không bỏ chạy cũng không có khả năng. Nợ nhà thầu nhiều quá. Các ngân hàng không còn cách nào khác, phải dừng lại. Ngân hàng càng bỏ nhiều thì ngân hàng chết”.
Quá ưu ái, giờ chia trên đống sắt vụn
“Giờ mà thu hồi dự án này, tài sản cũng chỉ ở dạng sắt vụn. Bởi bộ phận lắp ráp hết thì gỉ sét, bộ phận chưa lắp ráp thì mất mát nhiều rồi. Thêm nữa, không có tổng thầu nên không biết được máy móc thiết bị gì. Bây giờ, không thể mua bán theo dạng thiết bị nữa”, ông Lực nói thêm.
Ông Lực chia sẻ: "Giờ hơn 700 tỷ mà các ngân hàng cho vay là có nguy cơ mất. Dự án này ưu ái họ quá. Mình tin tưởng họ quá nên mới ra thế”.
Vị GĐ Vietcombank Hà Tĩnh tiết lộ, mục đích của họ (chủ đầu tư), không phải để làm dự án này thành công, mà cứ chờ, để rồi "thịt chó chấm nước chó", nghĩa là không tham gia vào, để giá trị dự án tăng lên thì sẽ đóng góp được tiền vào đấy”.
Theo ông Lực, từ năm 2009, bản thân ông đã phát hiện dấu hiệu bất thường khi đầu tư DA này. Ông nhận định, mục đích của chủ đầu tư là để kiếm chác bán quặng (từ Vũ Quang và Thạch Khê), chứ không phải để sản xuất. Tuy nhiên hồi đó không ai dám nói.
“DA đổ vỡ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính. Về trách nhiệm liên đới, mình đầu tư không thành công thì mình không thể nói không có trách nhiệm. Không lẽ cứ xách tiền nhà nước hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ cho vay rồi nói không có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm khách quan” - ông Lực phân trần.
Theo VNN