Dự án 8B Lê Trực: “Hiến” phần xây sai phạm là coi thường chính quyền”

“Đề xuất “hiến” phần xây dựng sai phép cho Nhà nước của chủ đầu tư là thể hiện thái độ coi thường chính quyền… Nếu cần, tăng mức phạt nặng hơn trước thái độ đó”.
Dự án tòa nhà 8B Lê Trực đang gây bức xúc dư luận
Dự án tòa nhà 8B Lê Trực đang gây bức xúc dư luận

Đúng như kế hoạch, sáng 21/11, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) đã bắt đầu thực hiện việc phá dỡ phần tum và tầng 19. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án đã đại diện cho chủ đầu tư nói về đề xuất sẽ “hiến” phần xây dựng sai phạm tại dự án để Nhà nước sử dụng vào mục đích công ích thay vì phá bỏ đi.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam hoàn toàn không đồng tình với đề xuất đó của chủ đầu tư.

Dự án 8B Lê Trực: “Hiến” phần xây sai phạm là coi thường chính quyền” ảnh 1
Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đề xuất “hiến” phần xây dựng sai phạm để Nhà nước sử dụng vào mục đích công ích. (Ảnh: Hoàng Nam)

Ông Liêm cho rằng, mục đích của chủ đầu tư khi “hiến” những phần xây dựng sai phạm của mình cho Nhà nước là để không mất chi phí phá dỡ, đỡ một khoản tiền lớn cho họ.

“Khi đem “hiến” những tầng xây dựng sai phạm đó để Nhà nước sử dụng thì họ nghĩ chắc Nhà nước sẽ kiểm soát được. Thế nhưng, cái hại khác của việc xây dựng vượt tầng là phá hoại cảnh quan của khu vực đó thì vẫn y nguyên. Mà việc phá hoại cảnh quan là việc rất tại hại, nó làm thu nhỏ quảng trường, lăng Bác và rất “chướng” khi khách tham quan chụp ảnh ở lăng Bác. Việc “hiến” đó không khắc phục được việc làm hại cảnh quan của quảng trường và lăng Bác”, ông Liêm nhấn mạnh.

Việc đem phần xây dựng sai đó “hiến” cho Nhà nước thì có nghĩa Nhà nước được quyền làm sai à? Việc “hiến” cái sai đó hóa ra lại là chuyển cái sai đó cho Nhà nước là không được, không phải cái gì sai cũng “hiến” cho Nhà nước là xong.

Đặc biệt, ông Liêm còn khẳng định: Đề xuất “hiến” phần xây dựng sai phép cho Nhà nước của chủ đầu tư là thể hiện thái độ coi thường chính quyền, chính quyền không những không chấp nhận đề nghị ấy mà còn cảnh cáo nghiêm khắc thái độ này. Nếu cần, tăng mức phạt nặng hơn trước thái độ đó.

Trước đó, khi trao đổi về việc công trình sai phép này, ông Liêm cũng thể hiện rõ quan điểm phải “cắt ngọn” công trình hạ thấp xuống.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng: “Cách hợp lý nhất là hạ thấp xuống ngang với chiều cao nhà Quốc hội đã xây. Không thể phạt tồn tại công trình này vì sẽ đưa ra một tiền lệ, ấn tượng rất xấu trong nhân dân đối với chính quyền. Nếu phạt cho tồn tại có nghĩa là “có tiền mua tiên cũng được”. Nếu phạt cho tồn tại thì những quy định của chúng ta lâu nay về phản biện, tư vấn xã hội, lấy dân làm chủ….  chẳng có ý nghĩa gì”.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 23/11, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị phụ trách Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, ông chưa được nghe thông tin chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực muốn hiến toàn bộ phần vi phạm cho nhà nước sử dụng vào các mục đích công ích. Tuy nhiên, ông khẳng định, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được.

Ông Phạm Quang Nghị khẳng định, Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai rồi khắc phục bằng cách hiến tặng sẽ tạo thông lệ xấu, kỷ cương không nghiêm. Hà Nội chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong lại đề nghị “hiến tặng” cho Nhà nước và ông Nghị cũng thẳng thắn cho rằng, dư luận không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy.

Theo Infonet