Cụ thể, ngày 11/2/2022, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (An Thịnh) đã phát hành thành công 650 tỉ đồng trái phiếu mã ATLCH2224001. Ít tuần sau, hôm 21/2/2022, Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (Cường Thịnh) huy động thành công 545 tỉ đồng từ phát hành lô trái phiếu mã CTRCH2224001. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 2 năm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, An Thịnh và Cường Thịnh chính là các nhà đầu tư đã chi ra 1.652 tỉ đồng để mua vào tổng cộng 59 triệu cổ phần HNG phát hành riêng lẻ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HNG) cách đây 6 năm. Thương vụ được hoàn thành vào tháng 2/2016, với mức giá bình quân 28.000 đồng cho mỗi cổ phần HNG.
Lưu ý rằng, khi ấy, thị giá của cổ phiếu HNG được giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ từ 8.000 – 9.000 đồng/cp. Tính cả lô 59 triệu cổ phiếu, mức giá mà An Thịnh và Cường Thịnh bỏ ra đã chênh tới 1.100 tỉ đồng so với giá thị trường.
“Có thể thấy đây là thương vụ “kỳ lạ” hiếm thấy trong lịch sử giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xét về quy mô thua lỗ tại thời điểm hoàn tất thương vụ”, một tờ báo bình luận. Có lẽ vì thế mà nhiều ý kiến cho rằng hai công ty này đã “mua hớ” cổ phiếu HNG.
Nhưng ở một chi tiết đáng chú ý, dữ liệu của VietTimes cho thấy, ít tháng sau khi mua vào 59 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HNG, An Thịnh và Cường Thịnh đã đem thế chấp toàn bộ số cổ phiếu này tại một nhà băng trong nước.
Bên cạnh đó, vào tháng 3/2016, An Thịnh và Cường Thịnh còn nhượng lại toàn bộ 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương (Đông Dương) cho HNG. Thương vụ này được phía HNG công bố có giá trị lên tới 1.650 tỉ đồng – tương đương với số tiền mà hai doanh nghiệp này đã bỏ ra để mua vào 59 triệu cổ phiếu HNG phát hành riêng lẻ trước đó.
Thời điểm đó, dữ liệu của VietTimes thể hiện, Đông Dương có vốn điều lệ 1.465 tỉ đồng, trong đó An Thịnh là công ty mẹ sở hữu 52,83% vốn điều lệ, còn Cường Thịnh nắm 47,17% cổ phần còn lại.
An Thịnh, Cường Thịnh của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, cả An Thịnh và Cường Thịnh đều được thành lập vào tháng 3/2014, có chung địa chỉ trụ sở tại lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Mặt khác, cả hai doanh nghiệp này đều có quy mô vốn điều lệ khá khiêm tốn, ở mức 30 tỉ đồng.
Trong đó, An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành (SN 1982) đăng ký là chủ sở hữu, đồng thời đảm nhận vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty. Trong khi đó, Cường Thịnh hiện do ông Bùi Quang Hoàn (SN 1981) làm Chủ tịch kiêm chủ sở hữu doanh nghiệp.
Ngoài An Thịnh, ông Nguyễn Công Thành còn đang đứng tên tại Công ty TNHH Một thành viên Vạn Phú Thành và CTCP DMQ (DMQ).
Thành lập từ cuối tháng 7/2015, DMQ tiền thân là CTCP Xây dựng Thương mại Đại Minh Quang (Đại Minh Quang), với ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý, thiết kế và thi công xây dựng.
Cuối năm 2016, Đại Minh Quang tăng mạnh vốn điều lệ từ 4 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Bùi Duy Trong (95% VĐL), ông Nguyễn Văn Trình (2% VĐL) và ông Bùi Thành Quyến (3% VĐL).
Đến tháng 11/2018, sau khi ông Nguyễn Công Thành được bổ nhiệm làm Giám đốc rồi giữ chức Chủ tịch HĐQT Đại Minh Quang, công ty này đã giảm quy mô vốn xuống còn 14 tỉ đồng. Tới tháng 5/2019, vốn điều lệ của Đại Minh Quang được nâng lên mức 20 tỉ đồng.
Từ năm 2018 đến nay, Đại Minh Quang đã thực hiện nhiều hợp đồng xây lắp với các chủ đầu tư như hợp đồng thi công phần thô và hoàn thiện 61 căn và 2 hồ bơi tại dự án Khu nhà ở Valencia của Công ty TNHH Đầu tư CTP Đại Dương với giá trị hợp đồng là 62,8 tỉ đồng.
Đại Minh Quang còn đảm nhận hai gói thầu thuộc dự án Khu nhà ở Nhật Hoàng – giai đoạn 2 (Sim City 2) của Công ty TNHH Đầu tư Nhật Hoàng, là thi công đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các tuyến đường với giá trị hợp đồng 92 tỉ đồng và thi công khu nhà ở thấp tầng liên kế với giá trị hợp đồng là 300 tỉ đồng./.