Động thái xử lý sớm khoản nợ 7.200 tỷ đồng của nhóm DN thân quen

VietTimes -- Các doanh nghiệp kín tiếng, được cho là có liên quan đến hệ sinh thái của tập đoàn bất động sản lớn tại thị trường địa ốc phía Nam đã mua lại lượng lớn trái phiếu trong năm 2019. Đằng sau đó là những chuyển biến đáng chú ý tại khu phức hợp Ba Son (Tp. HCM).
Đằng sau những thương vụ trái phiếu là những chuyển biến đáng chú ý tại đại dự án Ba Son Sài Gòn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Đằng sau những thương vụ trái phiếu là những chuyển biến đáng chú ý tại đại dự án Ba Son Sài Gòn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Trên bản công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu doanh nghiệp, CTCP Thiết kế và trang trí nội thất Norah (Norah) cho biết, trong năm 2019, công ty đã mua lại tổng cộng 3.500 tỷ đồng trái phiếu.

Cụ thể, số trái phiếu bao gồm: 3.000 tỷ đồng trái phiếu mã NORAH-2018.12 (phát hành ngày 26/12/2018) và 500 tỷ đồng trái phiếu mã NORAH-2018.12.1 (phát hành ngày 27/12/2018).

Các lô trái phiếu kể trên đều có kỳ hạn 5 năm, sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023.

Theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều khả năng các trái chủ ban đầu là CTCP Đầu tư Điền An Phát và CTCP Phát triển Hạ tầng và BĐS Việt Nam (VIPD).

Trong đó, lô trái phiếu 500 tỷ đồng có lãi suất 9%/năm cho năm đầu tiên, còn lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng có lãi suất 11%/năm đầu. Loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Riêng lô trái phiếu 500 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Điền An Phát không có tài sản đảm bảo. Trong năm 2019, Norah đã thanh toán 270,17 tỷ đồng tiền lãi phát sinh từ các lô trái phiếu này.

Ở chiều hướng ngược lại, nguồn vốn 3.500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, cùng nguồn vốn chủ sở hữu được tăng thêm 1.000 tỷ đồng năm 2019, đúng bằng giá trị 2 khoản đầu tư mà Norah rót vào CTCP Vạn Trúc Lâm (Vạn Trúc Lâm) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Vikhareal (Vikhareal).

Khoản đầu tư 500 tỷ đồng với Vạn Trúc Lâm nhằm tìm kiếm và thương thảo với các nhà đầu tư/khách hàng có nhu cầu hợp tác đầu tư/chuyển nhượng bất động sản/dự án. Thời hạn hợp đồng 5 năm, lãi suất cố định 9%/năm cho năm đầu tiên. 

Còn khoản đầu tư 4.000 tỷ đồng của Norah với Vikhareal nhằm tham gia góp vốn hợp tác đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Hợp đồng cũng có thời hạn 5 năm, với lãi suất cố định 11%/năm cho năm đầu tiên. Số tiền này đã được Norah chuyển hết cho Vikhareal trong tháng 1/2019 và tháng 5/2019.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Vikhareal - thông qua thâu tóm Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đô thị Nam Thanh - là chủ đầu tư dự án tòa nhà căn hộ, văn phòng dịch vụ, thương mại tại lô đất HH3 có diện tích 2.899 m2 ở Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (Quận 1, Tp. HCM).

Vikhareal được thành lập vào tháng 11/2016, quy mô vốn điều lệ ban đầu 1.881 tỷ đồng, chủ sở hữu là CTCP Đầu tư Vĩnh Khải.

Tuy nhiên, theo thay đổi đăng ký kinh doanh hồi tháng 10/2019, chủ sở hữu của Vikhareal đã đổi sang CTCP Đầu tư Bất động sản Supreme - pháp nhân này trong năm 2019 đã âm thầm thâu tóm lô đất HH1 (diện tích 8.999,3 m2) cũng tại khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Trong khi đó, các trái chủ của 2 lô trái phiếu do Norah phát hành như VietTimes đề cập ở đầu bài viết, cũng đã có sự thay đổi trong năm 2019.

Cụ thể, ngày 22/10/2019, Norah đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu từ CTCP Đầu tư First Star. Tới ngày 29/11/2019, doanh nghiệp này tiếp tục mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

SHB cũng là trái chủ của lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư Quang Thuận - pháp nhân được cho là cùng nhóm chủ với Norah - phát hành ngày 24/12/2018.

Được biết, ngày 21/10/2019, Quang Thuận đã mua lại trước hạn toàn bộ số trái phiếu này.

Ngoài ra, trong năm 2018, Sunny World cũng phát hành một lô trái phiếu khác có mã SNW-2018.10, với giá trị theo mệnh giá là 2.400 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.

Phân tích khung đô thị của dự án phức hợp Sài Gòn - Ba Son
Phân tích khung đô thị của dự án phức hợp Sài Gòn - Ba Son 

Nhóm nhà đầu tư sở hữu hệ sinh thái bao gồm 3 doanh nghiệp trên, cũng là chủ 2 lô đất khác tại khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son có ký hiệu VP2 (diện tích 6.042 m2) và HH5-1 (diện tích 3.558 m2).

Trong đó, lô HH5-1 từng được Alpha King truyền thông rầm rộ với tên gọi thương mại The Centennial Saigon.

Song, như VietTimes từng đề cập, nhiều khả năng Alpha King đã rút khỏi The Centennial Saigon, nhường bước cho nhóm nhà đầu tư mới được hỗ trợ đắc lực bởi nguồn vốn từ Techcombank./.