Ngày 29/6, Nhà Trắng và Điện Kremlin đều tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiến hành gặp mặt bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hamburg, Đức vào tuần tới. Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump gặp gỡ ông Vladimir Putin kể từ khi lên nhậm chức đến nay.
Tăng cường hợp tác chống khủng bố
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã “nói tránh nói giảm” về tầm quan trọng của cuộc gặp lần này, cho rằng cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga là một trong 9 cuộc gặp đa phương hoặc song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 của ông Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp sẽ “tiến hành xung quanh những nội dung mà Tổng thống muốn thảo luận”.
Ông H.R. McMaster cho biết một trong những mục tiêu tham dự G20 của Tổng thống Donald Trump là “tiến hành tiếp xúc bình thường với Nga”. “Tổng thống hy vọng Mỹ và tất cả thế giới phương Tây đều có thể phát triển quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nga. Ông đồng thời cho biết rõ nếu Nga có các hành động làm mất ổn định tình hình thì Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp ứng phó cần thiết”.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến ngày 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giơ “cành ô liu” hiếm có về phía Mỹ. Ông Putin nói Nga không coi Mỹ là kẻ thù, hai nước đều đứng cùng một mặt trận trong hai cuộc Chiến tranh thế giới. Nga tôn trọng những thành tựu của Mỹ.
“Cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Vladimir Putin có thỏa thuận ngầm nhất định. Ông Putin đã dành thời gian và không gian nhất định cho ông Trump để ứng phó với phe chống Nga ở trong nước Mỹ” – nhà nghiên cứu Vương Hiểu Vĩ, Trung tâm nghiên cứu châu Âu, Đại học Chính pháp Trung Quốc, giáo sư ngoại quốc của Đại học Moscow nhận định.
Theo Vương Hiểu Vĩ: “Thông qua cuộc gặp lần này, hợp tác chống khủng bố giữa Nga và Mỹ có triển vọng tiếp tục được tăng cường, đồng thời hai bên cũng có thể đạt được đồng thuận về con đường chính trị tương lai của Syria”.
Nhà nghiên cứu Lý Dũng Tuệ, phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu ngoại giao Nga, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ chủ yếu triển khai xoay quanh cải thiện quan hệ song phương.
Các vấn đề thảo luận gồm có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Syria, hợp tác chống khủng bố, nhưng trọng điểm là khôi phục quan hệ bình thường hai nước, trao đổi ý kiến về một số vấn đề mang tính căn bản của quan hệ Nga - Mỹ như khủng hoảng Ukraine, sự trừng phạt của phương Tây, NATO mở rộng về phía đông.
Quan hệ Nga - Mỹ có thể tái khởi động
Tháng 1/2017, Cơ quan tình báo Trung ương, Cục Điều tra Liên bang và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cùng đưa ra báo cáo cho rằng Chính phủ Nga thông qua tin tặc xâm nhập vào hệ thống thư điện tử của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ và đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, tiết lộ thư điện tử, từ đó can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nga đã kiên quyết phủ nhận vấn đề này. Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đang điều tra sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử Mỹ và khả năng tham gia vào vấn đề này của đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump.
Do ngăn chặn của phe chống Nga trong nội bộ Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga từng bị đình trệ. Theo hãng tin Reuters Anh, nhiều quan chức trong thời gian cầm quyền của các cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cho rằng gần đây Mỹ đã đánh giá quá cao không gian tiềm năng tiến hành hợp tác với cấp cao Nga, quan hệ song phương đã giảm đến mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Trong tranh cử, ông Donald Trump tỏ thái độ hòa dịu với Nga, nhưng từ khi nhậm chức đến nay đã tiến hành điều chỉnh nhân sự nhất định, chẳng hạn bổ nhiệm ông H.R. McMaster làm Cố vấn an ninh quốc gia, thay thế cho ông Michael Flynn, người phải từ chức vì bị tình nghi có cuộc điện đàm không chính đáng với Đại sứ Nga tại Mỹ.
Đối với vấn đề Crimea, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ thái độ cứng rắn, yêu cầu “Nga cần trả lại Crimea cho Ukraine”. Đầu tháng 4/2017, Mỹ đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ đối với một căn cứ không quân của quân chính phủ Syria, phóng gần 60 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Nga đã giữ kiềm chế nhất định khi tiến hành phản ứng với hành động này.
Nhà nghiên cứu Vương Hiểu Vĩ cho rằng một loạt lời nói và hành động của ông Donald Trump đã “khớp” với phe chống Nga ở trong nước, nhưng trên thực tế, đây rất có thể là “kế sách tạm thời”.
“Trong quan hệ với Nga, ông Donald Trump đã áp dụng sách lược lùi một bước nhỏ, tiến một bước lớn. Trong khi đó ông Putin đã thể hiện thái độ có thể hy sinh lợi ích cục bộ để quan hệ Nga - Mỹ đạt được cải thiện mang tính thực chất” – Vương Hiểu Vĩ nhận định.
Vương Hiểu Vĩ dự đoán, cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin sẽ là sự kiện mang tính tiêu chí, thỏa thuận đạt được có thể sẽ không công bố hoàn toàn cho bên ngoài. Trong tương lai, quan hệ Nga - Mỹ rất có thể được tiến hành tái khởi động, thậm chí bước vào “thời kỳ trăng mật”.
“Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với việc làm dịu quan hệ hai nước, cho thấy hai nước đều không muốn nhìn thấy quan hệ song phương trượt xuống mức thấp nhất trong lịch sử” – Nhà nghiên cứu Lý Dũng Tuệ nói.