Điện đàm không phải vào lúc này
Ngày 27/4, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters Anh, nhà lãnh đạo khu vực Đài Loan, bà Thái Anh Văn cho biết nếu trong tương lai có khả năng tiếp tục điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump thì bà rất sẵn lòng ngồi xuống bàn với Mỹ về hợp tác cùng có lợi, nhất là về kinh tế thương mại, quân sự - quốc phòng.
Bà Thái Anh Văn “trông đợi có thể có cơ hội có trao đổi trực tiếp hơn với chính phủ Mỹ trong những thời khắc quan trọng và trong những vấn đề quan trọng, không loại trừ cơ hội tiếp tục điện đàm với bản thân ông Donald Trump”.
Tuy nhiên, ngay trong ngày 27/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng từ chối đề nghị điện đàm với nhà lãnh đạo khu vực Đài Loan, vì Mỹ không muốn làm xuất hiện vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters Anh, ông Donald Trump nói: “Không muốn gây phiền phức cho ông Tập Cận Bình (Chủ tịch Trung Quốc) vào lúc này”. “Chỗ khó của tôi là tôi và ông Tập Cận Bình đã xây dựng một mối quan hệ cá nhân rất tốt”.
“Tôi thực sự cảm thấy, tôi đang hết sức nỗ lực giúp cho chúng tôi giải quyết một vấn đề lớn (vấn đề Triều Tiên), tôi không muốn gây phiền phức cho ông ấy. Cho nên trong vấn đề Đài Loan tôi sẽ thảo luận trước với ông Tập Cận Bình”.
Theo báo chí Hồng Kông, ông Donald Trump còn nói về ông Tập: “Tôi tin rằng ông ấy đang rất cố gắng, ông ấy đương nhiên không muốn nhìn thấy thương vong. Ông ấy là một người tốt, rất tốt. Tôi rất hiểu ông ấy”.
Sang ngày 28/4, người phát ngôn Cơ quan các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ Grace Choi cho biết Mỹ không bình luận về những vấn đề mang tính giả thiết. Trong những vấn đề liên quan đến hai bờ, Mỹ không thay đổi chính sách từ lâu, Mỹ vẫn tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.
Mỹ đang ưu tiên vấn đề Triều Tiên
Đối với tuyên bố từ chối điện đàm của phía Mỹ, người phát ngôn của lãnh đạo Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn cho rằng liên quan đến khả năng điện đàm với Tổng thống Donald Trump, Đài Loan “hiểu cấp độ ưu tiên của Mỹ trong xử lý các vấn đề khu vực. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi cũng không có kế hoạch (điện đàm) như vậy”.
Theo Hoàng Trọng Ngạn, phản ứng của bà Thái Anh Văn khi trả lời phỏng vấn báo chí là “phản ứng bị động” đối với câu hỏi mang tính giả thiết, chủ yếu là chỉ hai bên (Mỹ và Đài Loan) cần duy trì trao đổi chặt chẽ, không loại trừ bất cứ khả năng nào.
Phía Quốc Dân Đảng, đảng đối lập Đài Loan nhân cơ hội này đã lên tiếng phê phán nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Quan chức phía Quốc Dân Đảng là Hồng Mạnh Khải cho rằng “bà Thái Anh Văn đã trở thành người gây phiền phức được ông Donald Trump xác nhận”. Bà đã bị “coi thường” và “mất mặt”.
Một quan chức khác của Quốc Dân Đảng là Lý Ngạn Tú cũng cho rằng cuộc điện đàm trước đó giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn còn chưa biết rõ đã chi biết bao nhiều tiền quan hệ, nhưng lại hầu như không có hiệu quả thực tế. Điều này cho thấy, đội ngũ của bà Thái Anh Văn đã đánh giá sai tình hình quá mức trong công tác đối ngoại, kết quả là bị “mất mặt” trên trường quốc tế.
Chu Tùng Lĩnh, Trưởng Phòng nghiên cứu quan hệ hai bờ, Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học Liên hợp Bắc Kinh cho rằng những lời nói và hành động của bà Thái Anh Văn không khác gì khiêu khích, sẽ làm trầm trọng hơn “đối đầu lạnh” về chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Theo đánh giá của Phó giáo sư Tôn Quốc Tường, Đại học Nam Hoa, Trung Quốc, hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng muốn gác lại tranh chấp ba bên Trung - Mỹ - Đài, nhưng phương hướng lớn vẫn không thay đổi. Luật quan hệ với Đài Loan và 3 thông cáo giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là những nguyên tắc lớn.
Giáo sư Phạm Thế Bình, Đại học Sư phạm Đài Loan cho rằng ông Donald Trump không phải hoàn toàn từ chối bà Thái Anh Văn. Bởi vì, ông Donald Trump không nói lời “chết cứng”. Nếu ông Trump tuyên bố tuân thủ “nguyên tắc một Trung Quốc” và không thể tiến hành điện đàm với bà Thái Anh Văn thì sẽ không có không gian “xoay xở” nữa.
Theo Phạm Thế Bình, hiện nay Trung Quốc đang sẵn sàng phối hợp với Mỹ để tiến hành kiềm chế Triều Tiên. Điều này làm cho Mỹ cảm giác được “giúp đỡ”, đương nhiên sẽ “xử lý lạnh” đối với Đài Loan.
Đài Loan muốn mua máy bay tàng hình F-35
Không chỉ muốn tiếp tục tiến hành điện đàm với ông Donald Trump, khi trả lời phỏng vấn, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn còn cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu quốc phòng của Đài Loan, không loại trừ mua sắm máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ”.
Đối với vấn đề này, Tổng thống Mỹ cho biết không nhận được thông báo. Ông sẽ đưa ra quyết định sau khi thảo luận kế hoạch lâu dài với nhân dân Mỹ.
Ngoài ra, bà Thái Anh Văn đề nghị: “Trung Quốc hiện cần có tinh thần trách nhiệm”. Bà hy vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện tính linh hoạt của một nhà lãnh đạo “nước lớn”, nhìn nhận quan hệ hai bờ với một góc độ khác, để quan hệ hai bờ có một mô hình khác.
Đối với vấn đề Đài Loan, Trung Quốc luôn kêu gọi Mỹ thực hiện nguyên tắc “một Trung Quốc”. Ngoài ra, ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân lên tiếng cho biết kiên quyết phản đối bất cứ nước nào bán vũ khí cho Đài Loan, bất cứ hành vi nào dùng vũ lực để ngăn chặn thống nhất hai bờ đều không có “đường ra”.