Cụ thể, ông Thọ xác nhận, hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank. “Nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn 2 của quá trình soát xét, đánh giá toàn diện Ocean Bank. Việc mua lại một ngân hàng không hề đơn giản bởi tài sản công nợ của ngân hàng đa dạng và phong phú, nhiều tài sản chuyên sâu như hoạt động tín dụng, hoạt động bảo lãnh... Thêm vào đó, mạng lưới ngân hàng trải dài trên toàn quốc với nhiều chi nhánh và phòng giao dịch”.
“Đây là nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc, thực lòng muốn đầu tư vào Việt Nam với hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài”, vị lãnh đạo này đánh giá.
Phó Vụ trưởng Bùi Huy Thọ bật mí thêm: “Về thông tin cả 3 ngân hàng mua bắt buộc, ngoài OceanBank, 2 ngân hàng còn lại hiện giờ có nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng này và NHNN đã đồng ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin bước đầu đánh giá và có được những quyết định các bước tiếp theo. Thông tin sơ bộ là như vậy”.
Như vậy, nếu thương vụ M&A Ocean Bank được thực hiện thành công, Việt Nam nhiều khác năng sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Khác chăng, đây sẽ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên có nguồn gốc nội địa.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 5646/NHNN-TTGSNH chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo thống kê, sau khi được thành lập, UOB sẽ nâng tổng số ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam lên con số 9. Trước đó là các ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc); Public Bank Berhad (Malaysia); ANZ Việt Nam; Hong Leong Việt Nam; HSBC Việt Nam; Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam và CIMB Bank Berhad, sắp tới là UOB.
Lưu ý, trước đây, UOB từng đàm phán mua lại lượng lớn cổ phần GPBank nhưng cuối cùng, thương vụ lại bất ngờ thất bại. GPBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng sau đó./.