Đối phó tham vọng Trung Quốc, “NATO châu Á” trỗi dậy

VietTimes -- Nội hàm của khái niệm “Ấn Độ- Thái Bình Dương” giúp tạo ra khung hợp tác quốc phòng bốn bên mới được tái khởi động giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, hay còn được gọi là liên minh Quad. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đang trỗi dậy “thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.”
Tàu sân bay Mỹ dẫn đầu đội hình trong một cuộc tập trận hải quân với các nước đồng minh
Tàu sân bay Mỹ dẫn đầu đội hình trong một cuộc tập trận hải quân với các nước đồng minh

Một vài tháng gần đây, Tổng thống Donald Trump, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ- Thái Bình Dương” để chỉ khu vực mở rộng từ phía bờ Tây của Mỹ đến bờ Đông của Ấn Độ. Một vài thập kỷ trước, các lãnh đạo Mỹ đã gọi khu vực này là “Châu Á-Thái Bình Dương” hay gần đây nhất là “Ấn Độ- Châu Á- Thái Bình Dương.”

Việc chuyển đổi thuật ngữ này có ý nghĩa hết sức quan trọng và đòi hỏi phải có nhiều hoạt động truyền thông chiến lược để củng cố khái niệm chiến lược này. Sự chuyển đổi về thuật ngữ này phản ánh nhận thức của chính quyền Trump về một số nhân tố chủ chốt. Đó là nước Mỹ coi Ấn Độ là một cường quốc khu vực chứ không chỉ là một quốc gia bị cô lập ở mũi phía nam lục địa. Khái niệm mới cũng nhấn mạnh vào sự tiếp giáp biển của khu vực rộng lớn này, khu vực mở rộng đến hai trong số ba đại dương lớn nhất thế giới, bốn trong số bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới và năm nước đông dân nhất thế giới.

Và khái niệm này cũng là một cột mốc quan trọng đánh dấu bản chất đa cực của khu vực. Và ít nhất là bằng lời nói, nó là biện pháp đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc ở châu Á, từ mở rộng hiện diện quân sự phi pháp trên Biển Đông đến sự phát triển kinh tế của các căn cứ hậu cần ở Ấn Độ Dương trong khuôn khổ chiến lược “Vành đai –Con đường.”

Khu vực "Ấn Độ-Thái Bình Dương" phù hợp với phạm vi trách nhiệm của Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ theo Kế hoạch chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng. Kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, "Châu Á-Thái Bình Dương" đã trở thành thuật ngữ được các nhà hoạch định chính sách đối ngoại và các nhà hoạt động an ninh quốc gia sử dụng phổ biến nhất. Tài liệu hướng dẫn chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 1/2012 mang tên “Duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Ưu tiên đối với quốc phòng trong thế kỷ XXI,” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này, trong đó cho rằng Mỹ sẽ “tái cân bằng sang khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”.

Sau đó Cựu Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Sam Locklear đã bổ sung thêm “Ấn Độ- Châu Á- Thái Bình Dương” trong bản báo cáo của Ủy ban vũ trang Hạ viện năm 2013, và sau đó người kế nhiệm Đô đốc Harry Harris cũng đã tiếp tục cụm từ này đến hết năm 2017.

Thuật ngữ gần nhất mới được sử dụng “Ấn Độ- Thái Bình Dương” đã được đưa vào trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ tháng 12/2017, nhưng thực tế cụm từ này thực tế trước đó đã được sử dụng nhiều lần. Nhiều thế kỷ trước, thuật ngữ này đã được những người vẽ bản đồ sử dụng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã sử dụng “Ấn Độ- Thái Bình Dương” trong bài phát biểu chính thức năm 2010 và năm 2011. Thuật ngữ này cũng được dùng để mô tả môi trường chiến lược của Australia trong Sách trắng Quốc phòng của nước này xuất bản năm 2013.

Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận Malabar trên Ấn Độ Dương
Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận Malabar trên Ấn Độ Dương

Nội hàm của khái niệm “Ấn Độ- Thái Bình Dương” giúp tạo ra khung hợp tác quốc phòng bốn bên mới được tái khởi động giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, hay còn được gọi là liên minh Quad (còn được gọi là nhóm Bộ Tứ hay "NATO châu Á"). Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đã gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đang trỗi dậy “thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.”

Để đảm bảo lợi ích ở Ấn Độ- Thái Bình Dương đòi hỏi các hoạt động thông tin chiến lược của Mỹ phải nhất quán, rõ ràng cố kết và tập trung.

Mỹ đã từng là nạn nhân khi các cơ quan khác nhau của chính phủ đã đưa các thông tin khác nhau, do đó thường bị các đối thủ cạnh tranh hiểu sai là thiếu quyết tâm và chia rẽ chính trị.

Yêu cầu về sự cố kết nghĩa là phải liên kết các tuyên bố chính sách Mỹ với hành động thực tế. Các nước đối thủ của Mỹ như Trung Quốc chỉ có thể hiểu đúng nước Mỹ khi tuyên bố của nước này được phản ảnh trong sự hiện diện quân sự và tư thế trong khu vực, nếu thiếu hành động hoặc thiếu tuyên bố thì đều có thể dẫn đến thất bại.

Ví dụ về thông tin tập trung là phải bác bỏ các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về quyền tài phán hoặc yêu cầu quá mức hoặc về sự kiểm soát chủ quyền một cách phi pháp đối với các vùng biển quốc tế. Điều này nghĩa là phải phản đối mạnh mẽ cái gọi là  “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mỹ cũng phải áp dụng các thuật ngữ của Phương Tây như “nguồn lực chung toàn cầu” và củng cố các mô hình quốc tế như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và hoạt động phù hợp với các điều khoản của Công ước LHQ về luật biển và các văn bản quy định về Vùng đặc quyền kinh tế. Khi những quy tắc này bị vi phạm bởi các hành vi cưỡng chế hoặc các hành vi nguy hiểm khác, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào thì Mỹ cũng cần công khai phản đối để thể hiện quyết tâm.

Ấn Độ- Thái Bình Dương là địa điểm đầu tiên được cụ thể hóa trong phần “Chiến lược trong bối cảnh khu vực” của Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, thể hiện sự vượt trội của khu vực này so với 5 khu vực khác (bao gồm cả Trung Đông và Châu Âu).

Sự thay đổi tên gọi không đồng nghĩa với thay đổi cả chính sách và quan trọng là phải biết rằng lời nói không quan trọng bằng hành động, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách. Do đó, để hành động thực sự trong tương lai, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận mọi sự va chạm, đối đầu từ những nước thách thức hệ thống an ninh đã kiến tạo hòa bình và sự thịnh vượng cho khu vực trong gần bảy thập kỷ qua. Khi các lãnh đạo Mỹ tái khẳng định cam kết đối với khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, họ cần phải tiếp tục giữ vững sự nhất quán, tính cố kết và tập trung.