Đối phó Nga, Mỹ có kế hoạch đưa cố vấn quân sự, vũ khí đến Ukraine và huy động lực lượng của NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lo ngại Nga tấn công Ukraine, chính quyền Biden xem xét đưa thêm cố vấn quân sự và vũ khí trang bị mới tới Ukraine, đồng thời thảo luận với đồng minh châu Âu áp đặt trừng phạt và huy động lực lượng của NATO tới.
Tổng thống Ukraine Zalensky thị sát biên giới phía Đông giáp với Nga (Ảnh: AP).
Tổng thống Ukraine Zalensky thị sát biên giới phía Đông giáp với Nga (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 23/11, một nguồn tin thông thạo vấn đề này tiết lộ rằng Washington đang nghiên cứu cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa chống tăng, súng cối, tên lửa phòng không, v.v., cũng như các máy bay trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất ban đầu dự kiến ​​triển khai ở Afghanistan. Các quan chức lo ngại rằng việc triển khai tên lửa phòng không và trực thăng Mi-17 sẽ bị Nga coi là leo thang tình hình. Ngoài ra, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu đưa các điều khoản về trừng phạt chống lại Nga vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2022.

Hành động của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ cho thấy cả hai rất nghiêm túc xem xét khả năng Nga tấn công Ukraine và không muốn trở tay không kịp như cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Washington quan ngại về tình hình ở Đông Ukraine và gần đây đã có các cuộc thảo luận sâu rộng với Ukraine và các đồng minh châu Âu khác. Mỹ cũng đã thảo luận với Nga về tình hình Ukraine và quan hệ Mỹ - Nga.

Quân đội Ukraine tập trận ở biên giới (Ảnh: Đông Phương).

Quân đội Ukraine tập trận ở biên giới (Ảnh: Đông Phương).

Mỹ gần đây đã cảnh báo Liên minh châu Âu và Ukraine rằng Nga có thể có ý định tấn công vào Ukraine một lần nữa. Truyền thông Mỹ cho biết, Washington hiện không biết ý định tập trung quân đội Nga ở biên giới phía Đông Ukraine là gì. Mỹ đã chia sẻ các thông tin tình báo với các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả việc các nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga xâm nhập vào Ukraine để hoạt động làm lung lay chính quyền của Tổng thống Zelensky; các hoạt động của lực lượng đặc biệt Nga, Tổng cục Tình báo, và Cục Tình báo đối ngoại bố trí gián điệp gần biên giới Ukraine. Các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính, Nga có thể sử dụng hàng chục tiểu đoàn binh sĩ tấn công Ukraine từ nhiều hướng, trong đó có cuộc tấn công từ Crimea. Mỹ đang theo dõi sát sao các động thái của Nga ở Crimea.

Cũng theo Đông Phương, tin đồn về việc Nga có ý định tấn công Ukraine đang rộ lên, Điện Kremlin, Cục Tình báo Đối ngoại và nhiều cơ quan khác của Nga hôm thứ Hai (22/11) đã lần lượt ra tuyên bố phủ nhận và chỉ trích Chính phủ Mỹ đe dọa toàn thế giới, đồng thời cùng các nước thành viên NATO tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đen, Đông Âu và Bắc Cực.

Quân đội Ukraine diễn tập đổ bộ đường không ở gần Kiev hôm 22/11 (Ảnh: Đông Phương).

Quân đội Ukraine diễn tập đổ bộ đường không ở gần Kiev hôm 22/11 (Ảnh: Đông Phương).

Cục Tình báo Đối ngoại Nga đã đưa ra một bản tuyên bố hiếm hoi gửi cho tất cả các hãng thông tấn Nga, nói rằng Mỹ mô tả cảnh tượng kinh hoàng khi xe tăng Nga nghiền nát các thành phố của Ukraine và nói rằng họ có một số thông tin đáng tin cậy cho thấy Nga có ý định này; trên thực tế Mỹ đã gửi đi một thông điệp hoàn toàn sai lầm tới các đồng minh. "Bộ máy quan liêu của Mỹ đang khiến thế giới sợ hãi." Cục này cũng so sánh tình hình hiện tại với cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia năm 2008, và chỉ ra rằng Tổng thống Gruzia khi đó là Saakashvili đã phải trả giá đắt cho điều này. Sau cuộc chiến kéo dài 5 ngày giữa hai nước năm đó, 1/5 lãnh thổ của Gruzia đã bị quân đội Nga kiểm soát.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov ám chỉ rằng Ukraine có thể tìm cách giải quyết các vấn đề của riêng mình thông qua vũ lực, nói rằng một số quốc gia đưa lực lượng vũ trang đến các quốc gia khác, và sau đó cáo buộc Nga về các hoạt động quân sự bất thường trên lãnh thổ của mình. “Đó chính là Mỹ, vừa không hợp logic cũng không lịch sự.”

Ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy lực lượng lớn Quân đội Nga tập kết ở gần biên giới với Ukraine (Ảnh: World Journal).

Ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy lực lượng lớn Quân đội Nga tập kết ở gần biên giới với Ukraine (Ảnh: World Journal).

Ukraine hôm thứ Hai (22/11) đã tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ đường không gần thủ đô Kiev mô phỏng lực lượng lính dù tấn công các mục tiêu thù địch sau khi đổ bộ. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày thông báo sẽ tăng cường trừng phạt đối với các đối tượng liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream-2 của Nga - Đức, bao gồm hai con tàu và một thực thể có liên hệ với Nga.

Liên quan đến tình hình căng thẳng ở Đông Ukraine, trang web Defense News của Mỹ, có quan hệ mật thiết với Lầu Năm Góc, ngày 22/11 đã đăng một bài báo với tiêu đề "Nếu xe tăng Nga xông vào Ukraine, NATO có đáp trả hay không", bàn về khả năng NATO gửi quân tham gia cuộc chiến.

Bài báo nêu rõ nếu Nga tấn công vào Ukraine, châu Âu sẽ tung ra các biện pháp đáp trả Nga bằng kinh tế, ngoại giao và quân sự. Bài báo kêu gọi NATO triển khai Lực lượng Phản ứng nhanh (The NATO Response Force, NRF) để đáp trả các mối đe dọa của Quân đội Nga. Bài báo cũng nói rằng trong khi chuyển sự chú ý sang Trung Quốc, Mỹ hy vọng rằng châu Âu có thể chia sẻ áp lực bằng cách gửi lực lượng NRF tới.

Quân đội Nga tập trận ở Crimea hôm 22/11 (Ảnh: AP).

Quân đội Nga tập trận ở Crimea hôm 22/11 (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, tác giả bài báo thừa nhận vấn đề hiện nay là việc đưa quân đối phó với Nga vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của các thành viên NATO.

Trước đó, Chuẩn tướng Kirylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, nói với tờ Military Times của Mỹ rằng Nga đã tập kết hơn 92.000 binh sĩ và 40 đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) ở biên giới Ukraine, đã chuẩn bị phát động tấn công Ukraine vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Cuộc tấn công hợp thành do quân đội Nga lên kế hoạch có thể bao gồm các cuộc không kích, tấn công bằng hỏa lực pháo binh và đột kích bằng thiết giáp, và hành động đổ bộ đường không phụ trợ ở miền Đông Ukraine.

Về vấn đề này, bài báo nêu rõ nếu Nga tấn công vào Ukraine, các nước phương Tây sẽ phản ứng theo các con đường kinh tế, ngoại giao và quân sự, bao gồm cắt đứt khả năng tiếp cận tài chính quốc tế của Nga, sử dụng dự trữ dầu chiến lược để giảm nhu cầu cung cấp năng lượng từ Nga, và đưa vũ khí đến Ukraine.

Nga triển khai tên lửa phòng không S-400 ở gần biên giới gây sức ép với Ukraine (Ảnh: VCG).

Nga triển khai tên lửa phòng không S-400 ở gần biên giới gây sức ép với Ukraine (Ảnh: VCG).

Nhưng Nga cũng đã có những biện pháp đối phó. Bài báo cho rằng trong lĩnh vực phi quân sự, do nhu cầu khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao, Nga có thể sử dụng mối đe dọa năng lượng để gây áp lực lên châu Âu. Ngoài ra, châu Âu không thể đối phó với "cuộc khủng hoảng tị nạn" do hoạt động vận chuyển người tị nạn của Nga tạo ra. Nhưng trong lĩnh vực quân sự thông thường, các nước châu Âu có khả năng đáp trả các mối đe dọa quân sự của Nga.

Tác giả bài báo sau đó kêu gọi NATO hãy sớm điều động lực lượng phản ứng nhanh và sớm điều quân ứng phó với khủng hoảng. Mặc dù 5.000 binh sĩ đồng minh ít hơn so với hàng chục nghìn binh sĩ được Nga triển khai dọc biên giới Ukraine, nhưng việc cử NRF tới Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Romania sẽ khiến người dân các nước này yên tâm. Tại thời điểm mà Mỹ đang tập trung ngày càng nhiều nguồn lực và sự chú ý vào Trung Quốc, Mỹ rất mong muốn thấy các đồng minh của mình đóng một vai trò lớn hơn trong việc cung cấp an ninh và sự ổn định. Trong thời gian khủng hoảng châu Âu, nếu không sử dụng các công cụ này để đối phó với các vấn đề của châu Âu là vô nghĩa.

Xe chiến đấu bộ binh Pizaro của Tây Ban Nha trong Lực lượng phản ứng nhanh NATO - NRF (Ảnh: Guancha).

Xe chiến đấu bộ binh Pizaro của Tây Ban Nha trong Lực lượng phản ứng nhanh NATO - NRF (Ảnh: Guancha).

Nhưng tác giả bài báo cũng thừa nhận việc đưa quân sang đối phó với Nga vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của các thành viên NATO. Liên quân NATO, cũng giống như hầu hết các vấn đề khác của NATO, cần đạt được sự đồng thuận và một số đồng minh, chẳng hạn như Pháp, không muốn thấy NATO sử dụng đầy đủ khả năng này. Khi số lượng thành viên liên minh tăng lên, việc đạt được sự đồng thuận về việc triển khai NRF sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn.

Lực lượng phản ứng nhanh NATO (NRF) được khởi xướng vào tháng 11/2002, và chính thức thành lập vào ngày 15/10/2003. Công tác tổ chức chính thức hoàn thành vào năm 2006. Lực lượng trên lý thuyết hiện nay có khoảng 27.000 quân, nhưng lực lượng cơ động còn thiếu. Theo kế hoạch sáng kiến ​​“4x 30” của NATO vào năm 2018, theo kế hoạch NATO cần đảm bảo có 30 tiểu đoàn cơ giới hóa, 30 phi đội không quân và 30 tàu chiến đấu có thể được triển khai trong vòng 30 ngày hoặc ít hơn vào năm 2020. Tuy nhiên, NATO hiện vẫn chưa thiết lập được lực lượng cơ động theo yêu cầu.