Đòi chia lãi tiền mặt: Bộ Tài chính thắng, Luật Doanh nghiệp thua

VietTimes -- Ngày 10/6, BIDV phát đi thông cáo báo chí về ĐHCĐ năm 2016 của ngân hàng này. Theo đó, đại hội đã biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%, nhưng cũng ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền - ở đây là Bộ Tài chính và NHNN

Đòi chia lãi tiền mặt: Bộ Tài chính thắng, Luật Doanh nghiệp thua

Cụ thể, BIDV khẳng định đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cổ phần phải tiến hành Đại hội cổ đông trong thời hạn 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Do vậy, ngày 25/02/2016, HĐQT BIDV đã có Nghị quyết số 453/NQ-BIDV thống nhất tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 vào ngày 24/04/2016.

Đến ngày 04/03/2016 - trước gần 50 ngày so với ngày dự kiến tổ chức đại hội - BIDV đã gửi công văn số 541/BIDV-TKHĐQT đến NHNN, báo cáo tài liệu dự kiến thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016. Trong đó, có nội dung về phương án chi trả cổ tức 2015.

Tiếp theo, BIDV liên tiếp có các văn bản giải trình, bổ sung các nội dung tài liệu tại ĐHCĐ 2016 theo yêu cầu của NHNN.

Ngày 21/04/2016, BIDV tiếp tục có Công văn hỏa tốc số 1100/BIDV-TKHĐQT gửi NHNN. Trong đó có đề xuất BIDV được phép “tổ chức ĐHCĐ trên cơ sở các dự thảo tài liệu đã báo cáo NHNN. BIDV sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu khi nhận được ý kiến chính thức của NHNN” - thông cáo báo chí của BIDV viết. 

 Ngày 22/4/2016, NHNN có Công văn số 2874/NHNN-TTGSNH về việc BIDV xin ý kiến NHNN về một số nội dung dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông năm 2016. Theo đó, đối với Dự thảo Tờ trình ĐHCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016, phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, NHNN cho biết "sẽ có ý kiến cụ thể đối với đề nghị của BIDV sau khi Bộ Tài chính có ý kiến về các nội dung liên quan”.

Tuy nhiên, theo qui định tại Khoản 2e  Điều 136 Luật Doanh nghiệp, “mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại” là nội dung ĐHCĐ thường niên thảo luận và thông qua. Vì vậy, cùng ngày 22/4/2016, BIDV đã có văn bản 1151/BIDV-TKHĐQT báo cáo rõ: “Về dự thảo Tờ trình thông qua BCTC năm 2015, trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận và Tờ trình Phương án tăng vốn điều lệ, do Bộ Tài chính và NHNN chưa có ý kiến, BIDV sẽ trình Đại hội đồng cổ đông trên cơ sở các dự thảo đã báo cáo NHNN và sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu khi nhận được ý kiến chính thức của NHNN như BIDV đã báo cáo, đề xuất tại văn bản 1100/BIDV-TKHĐQT ngày 21/04/2016”.

Từ đây, thông cáo báo chí khẳng định, về trình tự thủ tục phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức năm 2015 tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, BIDV đã thực hiện đầy đủ theo đúng qui định của pháp luật hiện hành. 

Theo đó, ĐHCĐ 2016 của BIDV đã biểu quyết thông qua các vấn đề bao gồm phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức 2015 theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận để lại. Cụ thể là thông qua hình thức chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% cho các cổ đông có tên trong danh sách chốt tại thời điểm chi trả.

Tuy nhiên, riêng nội dung Dự thảo Tờ trình ĐHCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Bộ Tài chính và NHNN).

Thông cáo báo chí của BIDV phân tích "Như vậy, ĐHCĐ thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định “có điều kiện” và ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Lưu ý là, Thông cáo báo chí ngày 10/6 của BIDV không nhắc tới công văn số 6854/BTC-TCT ngày 19/5/2016 của Bộ Tài chính gửi Thống đốc NHNN. Trong đó, Bộ Tài chính "đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước”.

Tuy nhiên, theo trình tự thời gian trong thông cáo báo chí này, có thể thấy suốt quãng thời gian gần 50 ngày từ thời điểm BIDV báo cáo NHNN (04/03/2016), cho đến ngày ĐHCĐ diễn ra (24/04/2016), cả Bộ Tài chính và NHNN đều không có ý kiến chỉ đạo cụ thể nào liên quan tới việc "đòi" chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Chỉ sau khi ĐHCĐ BIDV đã kết thúc hơn 20 ngày, Bộ Tài chính mới có ý kiến chính thức về việc này. Tức là, tổng cộng Bộ Tài chính đã mất tới 70 ngày cân nhắc, họp bàn, thì mới ra được quyết định nhỏ, là "buông", hay "đòi" cổ tức của BIDV và Vietinbank bằng tiền mặt. 

Cũng không thể không nhắc tới sự thụ động của NHNN trong xử lý vấn đề chia cổ tức của BIDV và Vietinbank. Một cách chính thức, yêu cầu chia cổ tức của hai ngân hàng bằng tiền mặt là do Bộ Tài chính đưa ra, chứ không phải NHNN. Dù về thời gian, NHNN cũng có tới 70 ngày để cân nhắc các quyết định của mình.

Hãy khoan quy kết sự chậm chạp của Bộ tài chính, hay sự lơ đãng của NHNN trong xử lý vấn đề cổ tức của BIDV và Vietinbank có nguyên nhân từ mâu thuẫn của hai cơ quan này.

Điều có thể nhận thấy, việc kéo dài thời gian quyết định vấn đề cổ tức tại hai ngân hàng đã cho thấy cả Bộ Tài chính và NHNN không thực sự tôn trọng các quy định  liên quan tới các doanh nghiệp cổ phần của Luật Doanh nghiệp - một bộ luật do Quốc hội ban hành

Năm 2015, BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 6.376 tỷ đồng. Với tỷ lệ nắm giữ 95,28% vốn điều lệ, phần cổ tức nhà nước được hưởng từ lợi nhuận của BIDV là hơn 2.768 tỷ đồng. Còn tại VietinBank, lợi nhuận sau thuế 2015 là hơn 5.716 tỷ đồng, nếu chia cổ tức 8,5% tương đương như BIDV, nhà nước sẽ thu về khoảng 2.040 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cổ tức năm 2015 của nhà nước tại hai ngân hàng là gần 5.000 tỷ đồng.