E-magazine [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] ‘Zero-COVID’ làm Trung Quốc yếu đi (?): Đừng lầm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có quan điểm cho rằng, Trung Quốc đang mất đi tầm ảnh hưởng trong khu vực, về cả về kinh tế lẫn chính trị, khi căng mình ‘xoá sổ’ Covid-19. Nhưng điều đó chưa hẳn đã đúng.

Khó có thể phủ nhận những tác động sâu rộng của chiến lược ‘zero – Covid’ tới nền kinh tế Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc công bố những số liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) thấp nhất kể từ tháng 2/2020, một số tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia này. Trong đó, có thể kể tới World Bank (từ 5,1% xuống 4,3%), Goldman Sachs (từ 4,5% về 4%), JPMorgan Chase (từ 4,6% xuống 4,3%), Morgan Stanley (từ 4,6% xuống 4,2%).

Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc có thể mất đi tầm ảnh hưởng trong khu vực, về cả về kinh tế lẫn chính trị, trong lúc căng mình ‘xoá sổ’ Covid-19. Nhưng theo góc nhìn của William Bratton – cựu trưởng bộ phận phân tích khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của HSBC, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực đã thực sự tăng lên trong ba năm qua chứ không hề suy giảm.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của William Bratton về nội dung này.

Trung Quốc vốn có đầy đủ cơ hội để học những bài học mà phần còn lại của thế giới đã đúc kết trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19, nhưng họ vẫn quyết tâm đi theo con đường khó khăn – “xoá sổ” COVID-19, hay vẫn được gọi rộng rãi là "zero-Covid", bất kể cái giá phải trả là gì. Điều đáng nói là, chính sách đó đã gây tác động tới vị thế của Trung Quốc, quốc gia vốn được xem là trung tâm của hệ thống kinh tế châu Á.

Có luận điểm cho rằng Trung Quốc có khả năng mất đi tầm ảnh hưởng trong khu vực, xét cả về kinh tế và chính trị, trong lúc họ căng mình 'xóa sổ' COVID-19, tự biệt lập mình với việc siết chặt kiểm soát biên giới.

Diện tích và quy mô nền kinh tế không phải là vấn đề quyết định tầm ảnh hưởng của một quốc gia mà chính mức độ hội nhập của nó đối với các nước khác. Chính khả năng hội nhập mới cho phép một quốc gia lan tỏa sức mạnh kinh tế và chính trị của họ ra thế giới. Và nếu Trung Quốc trở nên kém hội nhập hơn, kinh tế của khu vực chắc chắn sẽ phản ánh lại sức hút bị suy giảm của quốc gia này.

Những người ủng hộ quan điểm trên cho rằng vai trò của Trung Quốc trong khu vực đang chịu tổn thương do các chính sách 'zero-COVID'.

Các nhà sản xuất nước ngoài tỏ ra hết sức quan ngại về khả năng hoạt động của họ ở Trung Quốc dưới những điều kiện chống dịch khắc nghiệt. Tình hình mới khiến một số hãng phải đánh giá lại về sức thu hút các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, trong khi nhiều công ty khác chuyển dây chuyển sản xuất sang các nước láng giềng.

Dễ thấy hơn, du khách Trung Quốc giờ vắng bóng tại các khu mua sắm ở Seoul hay các bãi biển của Thái Lan, gây thiệt hại cho các hãng bán lẻ Hàn Quốc và chủ khách sạn Thái Lan. Và quyết định không tổ chức Cúp Liên đoàn Bóng đá châu Á (Asian Football Confederation Asia Cup) – dự kiến tổ chức ở Trung Quốc vào tháng 7/2023 – cho thấy các biện pháp thắt chặt biên giới của nước này sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa.

Nhân viên y tế kiểm tra COVID-19 một nhân viên cảng tại Vũ Hán trong tháng 5/2020. (Ảnh: Reuters)

Nhân viên y tế kiểm tra COVID-19 một nhân viên cảng tại Vũ Hán trong tháng 5/2020. (Ảnh: Reuters)

Từ những diễn biến trên, có thể dễ dàng đi đến kết luận rằng tầm ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc đã suy yếu, nhưng đó cũng chỉ là một cảm nhận.

Trên thực tế, bất chấp các biện pháp thắt chặt biên giới kể từ khi đại dịch bắt đầu, tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực vẫn tiếp tục tăng trong 3 năm qua, chứ không hề suy giảm.

Điều này thể hiện rõ nhất trong các dòng chảy thương mại của khu vực.

Tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc

Trong suốt 3 năm vừa qua, vị trí quan trọng của Trung Quốc với tư cách là thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa của các nước láng giềng đã được nâng lên tầm cao mới.

Các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã chuyển 27% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của họ sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 và 2021, cao hơn mức 25% của 2 năm trước đó. Và nếu tính cả Australia và New Zealand , Trung Quốc là điểm đến cuối cùng của 28% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực trong năm 2021.

Đáng chú ý, tầm quan trọng của Trung Quốc với vai trò đối tác thương mại đã tăng lên, thậm chí là đối với cả những nước tham gia vào nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản và New Zealand giờ cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch.

Nhân viên an ninh kiểm tra việc thực thi lệnh phong tỏa ở Thượng Hải ngày 1/7. (Ảnh: Reuters)

Nhân viên an ninh kiểm tra việc thực thi lệnh phong tỏa ở Thượng Hải ngày 1/7. (Ảnh: Reuters)

Ví dụ, 1/3 tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của New Zealand trong năm 2021 có điểm đến là Trung Quốc, Trong khi vào năm 2018, chỉ tiêu này chỉ chiếm 1/4. Ngay cả Đài Loan cũng chứng kiến tổng giá trị thương mại của họ với Trung Quốc đạt những tầm cao mới trong năm 2020 và 2021.

Vị trí ưu việt ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng thể hiện rõ nếu quan sát các dòng vốn.

Có thể nhiều người nghĩ rằng sức hút của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư đang suy giảm, nhưng thực tế là nước này đã thu hút được nguồn vốn FDI vào (Inward FDI) cao kỷ lục là 181 tỉ USD trong năm ngoái. Nó chiếm khoảng 28% tổng lượng FDI đổ vào khu vực châu Á trong năm 2020 và 2021, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Cùng thời điểm, Trung Quốc cũng soán ngôi của Nhật Bản để trở thành nguồn cung vốn đầu tư quan trọng nhất của khu vực, với gần 300 tỉ USD vốn FDI rót ra nước ngoài trong 2 năm vừa qua, vượt mức 242 tỉ USD của Nhật Bản, và gấp nhiều lần mức 27 tỉ USD của Ấn Độ.

Ngoài ra còn có một số xu hướng liên quan khác, như xu hướng tập trung vốn của châu Á và các thị trường tài chính ở Trung Quốc. Nhìn chung, tất cả những điểm nêu trên đều cho thấy sức thu hút tăng dần của Trung Quốc trong khu vực.

Đây là một xu hướng dài hạn có thể được duy trì bất chấp việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát biên giới. Và mặc dù các lệnh phong tỏa của họ có thể tạm thời làm suy yếu các nguồn lực bằng cách làm giảm nhu cầu và sức sản xuất trong nước, sẽ là sai lầm nếu đánh đồng cú sốc nhất thời này với động lực dài hạn của Trung Quốc, với vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế châu Á.

Trung Quốc luôn khát khao vị thế dẫn dắt thế giới. Ảnh: Japan Times.

Trung Quốc luôn khát khao vị thế dẫn dắt thế giới. Ảnh: Japan Times.

Vai trò của một siêu cường kinh tế

Nhìn tổng thể, có 3 động lực tự thân xét về địa kinh tế tương lai của châu Á.

Đầu tiên là, các hoạt động kinh tế quốc tế chủ yếu diễn ra bên trong khu vực chứ không phải trên toàn cầu.

Thứ hai là, hầu hết các hệ thống kinh tế đều tự điều chỉnh về một cấu trúc lõi ngoại vi, với sự phân chia thành lao động và thương mại.

Và thứ ba là, không có quốc gia nào ở châu Á có thể hoặc sẽ đủ khả năng cạnh tranh với hiện trạng siêu cường kinh tế của Trung Quốc.

Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng Trung Quốc có thể chiếm 65% tổng GDP của Đông Á và Đông Nam Á vào năm 2027, từ mức 56% trong năm 2018.

Điều này có nghĩa rằng, những nỗ lực nhằm kìm hãm tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), đều rất khó thành công.

Giống như Knud Đại đế từng nói 'không ai có thể chặn được những con sóng', hấp lực của Trung Quốc ở vị thế trung tâm của hệ thống kinh tế châu Á sẽ không chịu tác động bởi những nỗ lực có phần nhỏ lẻ, hay bởi các biện pháp kiểm soát biên giới và lệnh phong tỏa.

Những người muốn đi ngược sóng có thể sẽ thất vọng./.

Nguồn tham khảo: Nikkei Asia