Bị Việt Nam đe dọa vị thế "công xưởng thế giới", Trung Quốc nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các chuyên gia Trung Quốc, lo ngại về việc Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng mới của thế giới chỉ là nói quá.
Nhiều người ở Trung Quốc lo ngại về khả năng bị mất danh hiệu "công xưởng thế giới" vào tay Việt Nam (Ảnh: Nikkei)
Nhiều người ở Trung Quốc lo ngại về khả năng bị mất danh hiệu "công xưởng thế giới" vào tay Việt Nam (Ảnh: Nikkei)

Những quan ngại về việc Việt Nam có thể chiếm vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc đã gây tranh cãi bên trong nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, kể từ khi Bộ Công Thương Việt Nam báo cáo giá trị xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm 2022 đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều bài viết được đăng tải trên các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc sau đó còn quy đổi giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu năm nay sang tiền của họ, cụ thể là 564,8 tỉ NDT, vượt qua giá trị xuất khẩu từ cảng chính của Trung Quốc ở Thâm Quyến (407,6 tỉ NDT) trong 3 tháng đầu năm nay.

Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia Trung Quốc, được SCMP dẫn lại, các ngành công nghiệp của thế giới chắc chắn sẽ tụ hội ở khu vực Đông Nam Á để tận dụng lợi thế chi phí thấp, và chuỗi công nghiệp đã được nâng cấp của Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được sức sống trong khu vực và xa hơn.

Không có gì phải lo lắng về ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, bởi những ngành công nghiệp rời bỏ chúng ta chỉ có chuỗi giá trị thấp,” Yao Yang, chuyên gia kinh tế và là Giáo sư đến từ Trường Phát triển Quốc gia thuộc ĐH Peking, nhận định. Ông thêm rằng bất chấp những quan ngại về khả năng sản xuất ngày càng tăng của Việt Nam, Trung Quốc vẫn sẽ giữ được danh hiệu “công xưởng của thế giới” trong ít nhất là 30 năm nữa.

Việc cung cấp cho khu vực Đông Nam Á các sản phẩm giá trị thấp cho phép người tiêu dùng Trung Quốc hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, trong khi các ngành công nghiệp trong nước của họ được giải phóng, tận dụng khả năng của chính họ để nâng cấp, theo ông Yao. Thêm nữa, ông cho rằng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng là điều không có gì bất ngờ, cũng không đáng lo ngại, đối với các nhà sản xuất ở Quảng Đông bởi hoạt động chuyển sản xuất ra nước ngoài đã diễn ra trong vài năm.

Ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với vùng châu thổ sông Châu Giang và chuỗi cung ứng và công nghiệp của chúng ta, bởi vậy xuất khẩu của chúng ta cũng hưởng lợi," Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hội Cải cách Quảng Đông, một hãng phân tích có liên kết với chính quyền tỉnh, nhận định.

Nếu xuất khẩu của Việt Nam được đóng góp bởi các ngành công nghiệp của Trung Quốc, đó cũng là một cách để tránh tranh chấp trong thương mại,” vị chuyên gia nói thêm. “Việt Nam là một quốc gia có dân số gần bằng với Quảng Đông, bởi vậy mà đem so sánh với một thành phố như Thâm Quyến thì không ổn.”

GDP của Việt Nam chưa bằng 1/5 so với Quảng Đông, tính vào thời điểm cuối năm 2021, trong khi dân số Việt Nam bằng 78% dân số của Quảng Đông.

Trong 3 tháng đầu năm, Mỹ là điểm đến hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo đó là đến Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 45,5% so với tháng trước đó và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên con số kỷ lục 34,06 tỉ USD, hơn 10 tỉ USD nếu so với Thâm Quyến nhưng chỉ bằng 60% xuất khẩu của Quảng Đông (tổng giá trị đạt 57,7 tỉ USD).

Giá trị gia tăng trong sản xuất của Trung Quốc tăng từ 16,98 nghìn tỉ NDT (2,5 nghìn tỉ USD) trong năm 2012 lên 31,4 nghìn tỉ trong năm 2021, theo thông tin mà Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Tân Quốc Bân (Xin Guobin) đưa ra hồi đầu tháng này.

Xét trên phạm vi toàn cầu, giá trị gia tăng sản xuất của Trung Quốc cũng tăng từ 22,5% lên gần 30%, gần bằng với Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại.

Tang Jie, Giáo sư kinh tế và là cựu Phó Thị trưởng Thâm Quyến, nói rằng các ngành công nghiệp sẽ chuyển dịch tới khu vực Đông Nam Á khi khoảng trống phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mở rộng.

“Thu nhập trung bình ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 của Trung Quốc, bởi vậy sự chuyển dịch này là không tránh khỏi, cũng giống như các ngành công nghiệp khổng lồ vào nước ta trong giai đoạn cải cách kinh tế vậy,” ông Tang nói.

Ngoài Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng sẽ trở thành những điểm đến thu hút do nhân công giá rẻ sẵn có, ông nói thêm.

Trung Quốc vẫn phải thận trọng về khả năng xuất khẩu Việt Nam vượt qua Thâm Quyến, nhưng vấn đề thực sự mà chúng ta cần phải giải quyết là việc nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất,” ông Tang nói thêm. “Chúng ta không thể chỉ nói với các công ty rằng “đừng đi” được, mà thay vào đó cần phải tạo nên một môi trường tốt hơn để thu hút họ.”

Trong lúc quá trình tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu đang được đẩy mạnh, lợi thế của Trung Quốc giờ chính là tiềm năng từ thị trường lớn, sự đổi mới đang tăng dần và tính hiệu quả chung…nhờ đó mà thu hút được các công ty đa quốc gia, theo báo cáo mà Bộ Thương mại nước này công bố hồi đầu tháng.

“Lợi thế về chi phí hiệu quả, chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn hơn,” báo cáo nói, thêm rằng vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực ngày càng trở nên quan trọng hơn, bởi họ là đối tác thương mại lớn của phần lớn các nước châu Á. “Đầu tư vào Trung Quốc cũng có nghĩa là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với toàn châu Á, và một không gian lớn hơn để tăng trưởng.”

Nỗi lo về khả năng Trung Quốc để mất danh hiệu “công xưởng thế giới” xuất hiện trong bối cảnh môi trường trong nước ngày càng trở nên phức tạp hơn do các cuộc xung đột địa chính trị, ví dụ như thương chiến Mỹ-Trung và chiến tranh ở Ukraine, buộc nhiều quốc gia phải đánh giá lại mức độ rủi ro đến từ sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước.

Theo SCMP