Doanh nghiệp niêm yết “bày mưu” thoát nợ

Những công ty có hệ số nợ lớn đang tất bật đề ra những phương án nhằm giảm bớt áp lực trả nợ đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.
Doanh nghiệp niêm yết “bày mưu” thoát nợ

Gần đây, trong những phiên họp ĐHĐCĐ thường niên, nhiều doanh nghiệp đã trình lên cổ đông phương án giảm bớt áp lực nợ vay đang đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Phương án được đề xuất nhiều nhất chính là phát hành cổ phiếu để cấn trừ công nợ. Việc này đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng, gần đây nhất là Quốc Cường Gia Lai (QCG), ITA, Gỗ Trường Thành (TTF). 

ĐHĐCĐ diễn ra mới đây của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 28 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ. 

Đức Long Gia Lai thời gian gần đây liên tục mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cùng với đó, nợ phải trả trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp tính đến 31/12/2014 đang ở con số 2.444 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2013. 

Trong đó chủ yếu là khoản nợ vay ngân hàng dài hạn của công ty với 1.795 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất là BIDV chi nhánh Gia Lai (1.003 tỷ đồng).

ĐHĐCĐ CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal – SCR) tổ chức ngày 27/4 mới đây cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Công ty sẽ thực hiện phát hành thêm 59,4 triệu cổ phiếu mới và đến 50,1 triệu cổ phiếu trong số này sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu để thu tiền nhắm cơ cấu lại nợ. 

Báo cáo tài chính năm 2014 của Sacomreal cho thấy, tuy tổng nợ phải trả có giảm nhẹ so với đầu năm 2014 nhưng con số này vẫn đang ở mức 3.087 tỷ đồng, tương ứng chiếm 57% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Trong số này, Sacomreal vay nợ hơn 619 tỷ đồng ngắn hạn và hơn 1.506 tỷ đồng dài hạn. Sacomreal huy động tiền từ khá nhiều nguồn khác nhau ngoài ngân hàng, tuy nhiên bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp này có khá nhiều khoản vay lớn không thuyết minh rõ ràng, ví dụ như hơn 764 tỷ đồng vay từ “một bên liên quan”, 180 tỷ đồng vay từ “các cá nhân các bên liên quan khác” hay 127 tỷ đồng “vay từ 1 cổ đông”.

 Cơ cấu vay ngắn hạn và dài hạn của Sacomreal

Ngoài đợt phát hành sắp tới, Sacomreal sẽ thanh lý một phần danh mục đầu tư để lấy về 600 tỷ đồng thanh toán nợ vay. Tiếp đó là sẽ giảm hơn 1.400 tỷ đồng dư nợ, trong đó chuyển từ nợ sang cổ phần là 800 tỷ đồng.

Do nặng nợ tài chính nên kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng khá lớn. Chi phí lãi vay riêng trong năm 2014 chiếm đến 116 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp thu về chỉ khoảng 134 tỷ đồng dẫn đến việc công ty bị lỗ thuần trong hoạt động kinh doanh. 

Không giống những doanh nghiệp trên phát hành cổ phần, CTCP Đầu tư Quốc tế Sơn Hà (SHI) chọn một phương pháp khác để giảm áp lực nợ là phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm.


Báo cáo trước ĐHĐCĐ, tại thời điểm 31/12/2014, tỉ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là ~ 1,7 lần, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 2,5 lần, gây mất cân đối trong tỷ trọng vốn và có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty. 

Số lượng phát hành dự kiến là 500.000 trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu là 1:10.

Hiện SHI đang vay nợ 727 tỷ đồng ngắn hạn và 119 tỷ đồng dài hạn. Lãnh đạo Sơn Hà cũng cho biết lãi suất Sơn Hà vay hiện nay trung bình đối với VNĐ là 7%/năm, với USD là 4,2%/năm. 

Tuy nhiên, đối với việc phát hành trái phiếu này, nếu trái chủ không đồng ý chuyển đổi sang cổ phần, mức tăng nợ phải trả trên báo cáo tài chính của SHI sẽ tăng lên nếu doanh nghiệp không kịp thời sử dụng số vốn huy động được từ trái phiếu giải quyết những món nợ hiện tại.

Doanh nghiệp niêm yết “bày mưu” thoát nợ ảnh 3

 Cơ cấu vay nợ của Sơn Hà