Những câu hỏi như làm con dấu thế nào và có cần phải làm con dấu; áp mã ngành kinh doanh sao cho đúng; tại sao phải liệt kê toàn bộ ngành nghề kinh doanh trong khi quy định là doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; thay đổi pháp nhân của doanh nghiệp phải làm sao... là những thắc mắc mà nhiều người đến tìm hiểu tại Phòng Đăng ký kinh doanh của sở này.
Rắc rối áp mã ngành
Theo nhiều người, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhanh chóng, thông thoáng như kỳ vọng. Điểm nghẽn chính là mã ngành nghề. Theo Điều 29 của Luật Doanh nghiệp 2014, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải ghi ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên tại phòng đăng ký kinh doanh của sở này, phần lớn doanh nghiệp cho rằng quy định trên chỉ thuận lợi cho cơ quan đăng ký kinh doanh chứ không có ích gì đối với họ trong khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thực tế, khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải liệt kê toàn bộ ngành nghề kinh doanh của mình ra và đồng thời tự áp mã ngành nghề kinh doanh đó theo quy định. Một chủ doanh nghiệp tên là Lê Đức Hiền cho biết mấy ngày nay ông gặp khó khăn khi công ty ông bổ sung thêm ngành thương mại điện tử. Rà soát mãi ông mới thấy mã ngành tương ứng là 6312 là Cổng thông tin và chi tiết hóa là thành lập trung tâm điện tử tổng hợp.
Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh đã trả hồ sơ về vì cho rằng ông áp không đúng mã ngành và phải chỉnh sửa thành mã số 8299 (hoạt động hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu).
Bà Thu Trang đã có thâm niên trong việc làm dịch vụ thành lập doanh nghiệp cho rằng ngay cả bà còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp mã ngành này thì huống chi những người mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp. Theo bà Trang, ngành kinh tế cấp 4 chưa bao quát hết các ngành nghề kinh doanh hiện nay và câu chữ cũng khó hiểu nên khó xác định xem ngành nghề của doanh nghiệp đăng ký thuộc mã nào.
Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thuế Kế toán Luật Việt Á, quy định doanh nghiệp vẫn phải ghi mã ngành nghề tương ứng với ngành, lĩnh vực hoạt động trong đơn đăng ký thành lập dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
“Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người mù tịt về mã ngành nghề này. Một số biết thì lên mạng của Tổng cục Thống kê, tìm bảng mã ngành nghề kinh tế quốc dân với hàng ngàn mã rồi tìm ngành nghề tương ứng. Đây là một việc mất không ít thời gian,” ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, doanh nghiệp cũng có thể nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng, cũng phải chờ đợi rất lâu.
Một số doanh nghiệp tư vấn dịch vụ thành lập doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp phải chọn ngành kinh tế (cấp 4) để đăng ký vẫn là quy định hiện hành trong Nghị định 43/CP về Đăng ký kinh doanh, không hề cải tiến và tạo thuận lợi hơn gì cho họ. Thực tế, trước đây doanh nghiệp cũng kêu việc này nhiều. Đây cũng là thủ tục bất cập lớn nhất trong gia nhập thị trường khi doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh không thống nhất trong xác định ngành nghề.
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi việc áp mã ngành này để làm gì và tại sao việc áp mã ngành này không để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện sẽ thuận lợi hơn mà bắt họ phải làm dẫn đến khó khăn.
Còn mơ hồ
Tình hình đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM -Ảnh: Quốc Hùng |
Đánh giá về Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực, phần lớn doanh nghiệp cho rằng là nghe thông thoáng nhưng hiểu thế nào và thông thoáng ra sao thì nhiều doanh nghiệp cũng chưa chỉ ra được, và cảm thấy lúng túng, nhất là quy định mới về con dấu.
Dù Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu (điều 44) nhưng với nhiều doanh nghiệp mới thành lập hiện nay thì quy định này chưa rõ ràng và sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Đến nay phần lớn doanh nghiệp cho rằng con dấu sẽ rất quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào nên đến cơ quan đăng ký kinh doanh nhiều doanh nghiệp hỏi đi hỏi lại rằng cơ quan nào sẽ cấp con dấu cho họ, hay quy định như trên có thể hiểu doanh nghiệp không cần phải làm con dấu?
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, một số doanh nghiệp đã hiểu nhầm sở này là cơ quan cấp con dấu, nhưng thực ra, theo quy định mới thì cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện đăng tải công khai mẫu con dấu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp sử dụng con dấu.
Mặt khác, Luật Doanh nghiệp quy định bên công an không làm dấu nữa mà doanh nghiệp tự làm dấu, đăng ký, thông báo trên Cổng đăng ký thông tin doanh nghiệp quốc gia. Nhưng hiện nay lại đưa ra yêu cầu, sau khi thông báo lên cổng thì ba ngày sau mới được dùng con dấu đó.
Ông Lâm Phong, một doanh nghiệp làm dịch vụ thành lập doanh nghiệp mới, cho rằng đây cũng là điểm gây bức xúc cho một số doanh nghiệp. Theo ông Phong, doanh nghiệp đã tự quyết định con dấu vậy tại sao họ lại không được dùng luôn con dấu ngay khi đăng ký mà phải đợi đến ba ngày sau?
Cũng liên quan đến con dấu, theo ông Phong, khách hàng của công ty ông có nhu cầu chuyển đổi hình thức công ty cổ phần thành công ty TNHH. Việc chuyển đổi này cũng đồng thời thực hiện thay đổi các thành viên trong công ty. Theo biểu mẫu trước đây, việc thay đổi các thành viên công ty không cần phải đóng con dấu, nhưng biểu mẫu mới này bắt buộc phải đóng con dấu, nhưng con dấu mới của công ty TNHH chưa có, trong khi con dấu của công ty cổ phần của khách hàng không còn có hiệu lực.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cho rằng việc thay đổi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp khiến họ gặp khó khăn tại. Theo đại diện một doanh nghiệp (không cho nêu tên), trong mấy ngày qua công ty ông đến đây để được tư vấn về việc chuyển đổi này nhưng khi đến Phòng Đầu tư của sở thì chuyên viên hướng dẫn của phòng này chỉ qua Phòng Đăng ký kinh doanh của sở và ngược lại.
Còn đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thì đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết các trường hợp tách giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do hiện nay chưa có quy định. Hiện cơ quan này đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết.
Theo TBKTSG