Doanh nghiệp hứng khởi với thị trường Nga

Dù còn không ít băn khoăn khi tiếp cận thị trường, hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng thời gian tới.
Các doanh nghiệp da giầy, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...kỳ vọng vào sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Nga.
Các doanh nghiệp da giầy, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...kỳ vọng vào sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Nga.

Là một trong số những đơn vị đầu tiên đăng ký tham giaHội chợbán hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcơva diễn ra cuối năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh-Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Phong (TP HCM) cho biết đã đăng ký 162 m2 sàn để trưng bày 100 sản phẩm làm từ da cá sấu. Hiện, doanh nghiệp đang triển khai thiết kế nội thất gian hàng để kịp khai trương vào giữa tháng 9.

Việt Phong muốn tranh thủ thời gian trước khi hội chợ diễn ra để quảng bá sản phẩm. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu được ký kết theo bà, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó ngành da giày. Một khi thuế suất có lộ trình bằng 0, hàng hóa trong nước khi thâm nhập thị trường Nga có thêm sức cạnh tranh với bản địa hoặc từ nước khác. Do đó, không có lý do gì để doanh nghiệp không mạnh dạn đi trước.

Doanh nghiệp này cũng cho biết, sau hội chợ, việc thuê mặt bằng tại Tổ hợp thương mại Hà Nội-Matxcơva sẽ được duy trì thời gian dài. Bởi doanh nghiệp tiến tới tìm kiếm đại lý phân phối sản phẩm rộng rãi tại thị trường Nga.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long (Bình Dương) cho rằng Nga có nhu cầu cao về các mặt hàng nội thất, song do nhiều lý do mà sản phẩm của doanh nghiệp vẫn chưa thể vào.

"Mỹ và châu Âu đang là đối tác truyền thống của ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam. Riêng với thị trường Nga, do vướng mắc về việc đánh thuế bằng trọng lượng nên hàng hóa, trong đó có đồ nội thất chưa thể thâm nhập sâu", ông nói.

Với việc ký kết thành công FTA thương mại tự do với khu vực kinh tế Á-Âu vừa qua trong đó có liên bang Nga, vị này cho rằng, khó khăn lớn nhất về mức thuế suất đã được tháo gỡ. Có thể, mất một thời gian thuế suất về 0% nhưng xu hướng giảm đáng kể sẽ giúp hàng hóa Việt Nam thêm yếu tố cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều lãnh đạo doanh nghiệp băn khoăn nhất vẫn là thời gian và kinh phí tham gia hội chợ sắp tới. Hiện, ông đang đợi kế hoạch hỗ trợ từ địa phương và Hiệp hội ngành hàng. Nếu thời gian gấp gáp, ông cho biết sẽ cử nhân viên sang Nga tiếp cận thị trường trước, rồi mới tính đến việc mở rộng địa điểm bán hàng. Kể cả, không tham gia được hội chợ lần này, doanh nghiệp ông vẫn có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ tại Nga thời gian tới.

Đại diệnCông ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcơva (Incentra)- đơn vị tổ chức hội chợ cho hay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã quyết định hỗ trợ 50% chi phí vé cho doanh nghiệp khi tham gia hội chợ. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tài trợ cho công tác chuẩn bị mặt bằng hội chợ. Incentra cũng miễn phí thuê gian hàng, hỗ trợ 50% phí lưu trú tại khách sạn và hỗ trợ toàn bộ chi phí truyền thông về hội chợ...

Là cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ quy mô nhỏ, song, bà Vũ Thị Hồng Yến-đại diện doanh nghiệp tư nhân Minh Trang (Ninh Bình) cho biết sẽ thu xếp bằng mọi cách để tham gia sự kiện.

Bà chia sẻ trước đây, mỗi lần tham gia hội chợ, triển lãm doanh nghiệp luôn đắn đo, cân nhắc bởi tài chính eo hẹp. Nhưng với lần xúc tiến thương mại này, ngoài vấn đề hỗ trợ của đơn vị tổ chức, bà Yến nhận còn thấy đây là cơ hội tốt cho công ty trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu Nga – một thị trường hoàn toàn mới với doanh nghiệp địa phương.

"Có nhiều ưu đãi khuyến khích cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kỳ vọng rất lớn về thành công của lần xuất ngoại này. Hiện công ty đã có kế hoạch không chỉ đơn thuần tham gia hội chợ mà còn thuê mặt bằng nhằm giới thiệu sản phẩm và kinh doanh tại Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva”, chị cho hay.

Thời điểm này, tại một số địa phương, kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng được các cấp lãnh đạo quan tâm.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nghệ An cho biết địa phương muốn có gian hàng chung để làm đầu mối giới thiệu các mặt hàng tiêu biểu của tỉnh. Địa phương đã quyết định cấp kinh phí để nhằm quảng bá cho các doanh nghiệp, kể cả các đơn vị nhỏ không có điều kiện tham gia nhưng vẫn được trưng bày sản phẩm.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Bình- Trần Thế Định chia sẻ, thời gian qua, tỉnh đã kết nối cho các doanh nghiệp tìm hiểu và thăm dò thị trường nhiều nước, trong đó có Nga. Hiện, dệt may, sứ vệ sinh, đồ mỹ nghệ… là những mặt hàng thế mạnh của địa phương do đó lãnh đạo tỉnh sẽ tạo mọi điệu kiện để các doanh nghiệpxúc tiến thương mại để khai thác thị trường tiềm năng như Nga.

Thành Tâm theo VnExpress