Doanh nghiệp địa ốc linh hoạt thích nghi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dòng vốn tín dụng hạn chế, lãi suất cao đã khiến cho nhà đầu tư và người mua nhà gặp nhiều khó khăn trong giao dịch. 'Cạn' thanh khoản, nhiều doanh nghiệp địa ốc buộc phải 'đại phẫu' để duy trì hoạt động.
Các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn
Các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn

Theo thống kê của Savills, lượng giao dịch căn hộ trong quý 3/2022 ở TP. HCM vẫn suy giảm tới 89% so với quý trước đó. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ mới thậm chí về mức thấp nhất từ năm 2019 đến nay, chỉ đạt 15%.

Trong bối cảnh 'room' tín dụng ngân hàng hạn chế, huy động từ trái phiếu và cổ phiếu cũng đối mặt nhiều thách thức khi mặt bằng lãi suất tăng dần đang tạo ra nhiều áp lực về dòng vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HOREA), một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ, một số cổ phiếu bất động sản 'nằm sàn'.

"Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể rơi vào suy thoái nếu nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả", HOREA cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hiệp hội này cũng cho rằng cần phải tái cấu trúc, tái cơ cấu từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực.

'Đại phẫu' để tồn tại

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang triển khai loạt giải pháp thích nghi, thay đổi quản trị, tiết giảm chi phí; dừng hoặc tạm hoãn, thay đổi, kế hoạch phát hành cổ phiếu…

Một số doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.

Novaland là một trong số các doanh nghiệp đang linh hoạt thích nghi với biến động của thị trường. Cụ thể, Novaland sẽ tái cơ cấu, điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng, tiếp tục triển khai hoàn thiện theo giai đoạn các dự án có quy mô lớn, dài hạn và sẽ tiết giảm lại các hạng mục hiện nay đang xây vượt tiến độ chưa cần thiết.

Hội đồng quản trị Novaland cũng có quyết nghị về việc tạm dừng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Đồng thời sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp gần nhất.

Một 'đại gia' bất động sản cũng tìm hướng đi mới khi cho ra mắt mô hình bán bất động sản 'chia nhỏ' bán cho nhà đầu tư. Việc chi nhỏ bất động sản thành 50 – 200 suất đầu tư được lãnh đạo công ty này kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh khoản và giúp doanh nghiệp này nhanh chóng thu hồi vốn.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, đơn vị này sẽ tháo gỡ vướng mắc, đưa ra giải pháp về kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực này. Trong đó, các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng phát triển dự án, góp phần tăng nguồn cung.

Trong khi đó, Chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu cho biết, hiệp hội này đã kiến nghị NHNN tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt./.