Theo Hải quân Mỹ ngày 19.4, đoàn khách 6 sĩ quan cao cấp của Hải quân Nhân dân Việt Nam và 1 đại diện dân sự Việt Nam đã được mời bay quan sát trên một máy bay tuần biển và săn ngầm loại P-3C Orion của phi đội Kiếm sĩ vàng (Golden Swordsmen) thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP-47) ở Kaneoha, Hawaii vào ngày 13.4.
Mục đích của chuyến bay này là nhằm giúp phía Việt Nam hiểu hơn về sứ mạng cũng như khả năng của loại máy bay tuần biển và săn ngầm có tầm hoạt động xa này, theo Hải quân Mỹ.
"Ban đầu cũng có rào cản về vấn đề ngôn ngữ, nhưng chúng tôi mau chóng vượt qua. Sau chuyến bay, đoàn khách Việt Nam đã hiểu biết hơn cách thức máy bay hoạt động và cách chúng tôi tác nghiệp với tư cách phi công hải quân”, thành viên phi hành của máy bay P-3C là ông Tyler Willsey nói.
Đây không chỉ là dịp học hỏi kinh nghiệm từ hai phía mà còn là sứ mạng xây dựng mối quan hệ.
“Đó còn là một nhiệm vụ thường xuyên với chúng tôi, cho dù chúng tôi đang ở trong nước hoặc ở nước ngoài, để xây dựng mối quan hệ lâu dài với các nước đối tác của chúng ta", Trung tá chỉ huy trưởng Jeremy Lyon, sĩ quan điều hành Không đoàn VP-47 phát biểu. "Chuyến thăm diễn ra tốt đẹp và thành viên phi hành đoàn đã làm tốt việc giới thiệu máy bay với các vị khách sĩ quan Việt Nam”, ông nói thêm.
Sau chuyến bay, đoàn sĩ quan Việt Nam đã cảm ơn Không đoàn VP-47 bày tỏ hy vọng sớm thấy máy bay P-3C của Hải quân Mỹ đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Các sĩ quan Hải quân Việt Nam thăm văn phòng phi đội Kiếm sĩ vàng (Golden Swordsmen) thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP 47) ở Kaneoha, Hawaii vào ngày 13.4.2016 - Ảnh: Không đoàn VP-47 |
Chụp ảnh lưu niệm bên chiếc P-3C Orion của phi đội Kiếm sĩ vàng (Golden Swordsmen) thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP 47) ở Kaneoha, Hawaii ngày 13.4 |
Không đoàn VP-47 đang tiến hành các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của đội máy bay P-3C, thực hiện các bài diễn tập và bảo trì để tối đa hóa hiệu suất hoạt động và hiệu quả của loại máy bay này. Hiện các chiếc P-3C đang được thay thế dần bằng loại P-8A Poseidon hiện đại hơn, tầm hoạt động xa hơn và lâu hơn.
Được hãng Lockheed Martin sản xuất từ những năm 1950, P-3 Orion nổi tiếng là máy bay tuần biển và săn ngầm, chống tàu mặt nước, được hải quân nhiều nước sử dụng. Tuy đã cũ nhưng máy bay P-3 Orion với 11 thành viên phi hành cùng các thiết bị radar, sonar dò tìm tàu nổi, tàu ngầm là phương tiện đáng tin cậy có khả năng giám sát khoảng cách rất lớn trên biển. Máy bay này có 4 động cơ phản lực cánh quạt, vận tốc tối đa 750 km, tầm hoạt động gần 2.000 km, có thể bay quanh một khu vực ở trần bay 500 m liên tục 3 giờ.
Hải quân Mỹ đang dần thay thế P-3 bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn của hãng Boeing (cải tiến từ máy bay Boeing 737). Máy bay P-8 có tầm hoạt động đến 1.200 hải lý (2.200 km), và có thể bay quần thảo trên khu vực mục tiêu đến 4 giờ mới quay về căn cứ.
Các nước tại châu Á - Thái Bình Dương đã có đội máy bay P-3 Orion gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan.
Đại diện VP-47 tặng quà lưu niệm bay trên máy bay P-3C Orion của VP-47 |
Đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam lên máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 ở Hawaii ngày 13.4.2016 |
Trên máy bay P-3C Orion của không đoàn VP-47 |
P-3C Orion của VP-47 thả phao định vị thuỷ âm (sonar) để dò tìm tàu ngầm - Ảnh: Không đoàn VP-47 |
Việt Nam quan tâm máy bay săn ngầm P-3 Orion
Trước đó có thông tin cho rằng Việt Nam quan tâm đến loại máy bay tuần tra biển và săn ngầm này của Mỹ. Theo tạp chí quốc phòng Jane's, hồi đầu năm 2013, tại triển lãm an ninh quốc phòng LAAD ở Rio de Janeiro, Brazil, ông Clay Fearnow, giám đốc chương trình tuần tra biển của tập đoàn Lockheed Martin cho biết Hải quân Việt Nam quan tâm muốn mua 6 chiếc máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3 Orion để giám sát hơn 3.500 km bờ biển cùng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng gần 1,4 triệu km2. Tuy nhiên do lúc đó Mỹ chưa bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nên thương vụ này mới chỉ ở mức độ thăm dò. Ngày 10.11.2014, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành văn bản chính thức về việc bãi bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương sang Việt Nam, hiệu lực từ ngày này. Như vậy Việt Nam đã có thể mua được loại máy bay săn ngầm tuy cũ nhưng vẫn còn rất lợi hại này, theo trang tin army-technology.com ngày 10.11.2014. Trong tháng 1.2015, nhiều đoàn quan chức chính phủ lẫn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, trong đó có đoàn của phó chủ tịch tập đoàn Lockheed Martin, theo tạp chí Diplomat ngày 23.1.2015. Tuy vậy máy bay P-3 Orion trong giai đoạn hiện tại nếu có bán cho Việt Nam sẽ không được trang bị kèm các vũ khí chống tàu nổi cũng như tàu ngầm, mà chỉ gắn các thiết bị điện tử cho phép giám sát mặt biển và dò tìm tàu ngầm trong lòng biển.
Theo Thanh Niên |