Đô đốc Hải quân Mỹ: Nga và Trung Quốc đang “thống trị” Bắc Cực

Sự chậm trễ của Mỹ đang đe dọa làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của nước này vào dầu nhập khẩu, đe dọa khả năng cạnh tranh cũng như ảnh hưởng của Mỹ trên cấp độ toàn cầu, và sự “thống trị” của Washington ở Bắc Cực.

Hãng tin Ria-Novosti dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ, tướng Gary Rafed cho biết, Moscow và Bắc Kinh đã tiến xa hơn Washington ở khu vực Bắc Cực.

Cũng theo Đô đốc Gary Rafed, khi không tham gia vào "cuộc đua" giành nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, Mỹ có nguy cơ mất đi địa vị lãnh đạo trên cấp độ toàn cầu.

Theo tờ The Wall Street Journal, các cuộc diễn tập chiến lược của Nga và Trung Quốc, liên quan đến việc phát triển các nguồn lực và tiềm năng của Bắc Cực - "tín hiệu báo động" đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Nga đang dẫn đầu trong việc khai thác, sản xuất dầu ở Bắc Cực. Trong năm 2014, Moscow đã bắt đầu khai thác, sản xuất dầu ở ngoài khơi biển Pechora, và trong những năm qua, nước này đã có thể khai thác khoảng 2,2 triệu thùng", Đô đốc Gary Rafed cho biết.

Tiếp theo là Trung Quốc, trong giai đoạn 2009-2013, các công ty Trung Quốc (chủ yếu là ba công ty lớn - CNPC, Sinopec và CNOOC) đã trở thành khách hàng lớn nhất trên thị trường dầu khí quốc tế.

Các hành động như là việc mua cổ phần tại công ty Nga "Yamal LNG" và mua lại công ty dầu của Canada Nexen, coi như đã thực hiện được việc “cắm rễ sâu” tại khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, CNOOC cũng đã nhận được một giấy phép thăm dò dầu khí ở Na Uy và biển Barents.

"Các vị trí thống lĩnh mà Nga và Trung Quốc có được trong việc dự trữ dầu và khí đốt ở Bắc Cực đang tương phản với vị trí của Hoa Kỳ", Đô đốc Rafed cho biết.

Chính phủ Mỹ thường xuyên thể hiện sự thiếu ý chí chính trị để tiếp tục cuộc tìm kiếm, khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Bắc Cực.

Đô đốc Rafed cho rằng sự chậm trễ của Mỹ đang đe dọa làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của nước này vào dầu nhập khẩu, đe dọa khả năng cạnh tranh cũng như ảnh hưởng của Mỹ trên cấp độ toàn cầu, và sự “thống trị” của Washington ở Bắc Cực.

Theo Infonet