Định giá FLC 9 tỷ USD, UniCap là công ty nào?

VietTimes – Sẽ là một hình dung thú vị nếu công ty UniCap được đề cập dưới đây chính là đơn vị đã định giá tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC ở mức 9 tỷ USD.
Ảnh chụp màn hình.
Ảnh chụp màn hình.

Tạp chí Bizlive.vn vừa dẫn Báo cáo định giá của Công ty quản lý quỹ UniCap cho hay: Tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC), bao gồm giá trị các dự án, các khoản đầu tư và những tài sản khác trực thuộc sở hữu, quyền quản lý của FLC, có tính đến yếu tố sinh lời… hiện đạt 9 tỷ USD.

Con số này lớn hơn rất nhiều so với định giá giá trị các dự án bất động sản FLC đang quản lý mà Savills đã đánh giá vào năm 2014 – khoảng trên 3 tỷ USD.

Dẫn lời trên Bizlive.vn, đại diện UniCap cho biết báo cáo đánh giá này được xây dựng trên cơ sở yêu cầu riêng của khách hàng, phục vụ hoạt động đầu tư.

“Việc có sự khác biệt lớn với định giá của Savills là do UniCap định giá toàn bộ các tài sản, chứ không chỉ các dự án bất động sản và có tính đến yếu tố sinh lời”, đại diện UniCap nói và cho biết, thương hiệu FLC cũng được đánh giá rất cao trong định giá này.

“Chúng tôi đã làm khảo sát độc lập và thấy rằng, thương hiệu FLC có độ phủ rất lớn và chứng minh được hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp trong thực tế. Bằng chứng là, các dự án có gắn với cụm từ FLC đều đạt được thuận lợi lớn trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Đó là giá trị kinh tế rất lớn”, vị này nói.

Chưa rõ Công ty quản lý quỹ UniCap đã định giá FLC ở mức 9 tỷ USD là công ty nào.

Nhưng hiện trên lãnh thổ Việt Nam, cũng đang có một công ty quản lý quỹ có tên viết tắt là UniCap.

UniCap

Cụ thể, UniCap là tên viết tắt của Công ty Cổ phần Quản Lý Quỹ Hợp Lực Việt Nam, được thành lập theo Giấy phép số 35/UBCK-GP ngày 13/05/2008 do Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cấp, sáng lập bởi 03 cổ đông: Phạm Uyên Nguyên (trú tại P. Tân Định, Q.1, Tp. HCM); Tcty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI); CTCP Xuất khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim).

Thực tế, cái tên UniCap mới được công ty quản lý quỹ này chuyển sang sử dụng cách đây chưa lâu, là từ viết tắt của cái tên tiếng Anh: United Capital Management Joint Stock Company (CTCP Quản lý Quỹ Toàn Cầu).

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 3 năm 2017 diễn ra vào ngày 11/09/2017, 12 cổ đông – đại diện cho 100% vốn (40 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Quản Lý Quỹ Hợp Lực Việt Nam đã nhất trí thông qua việc đổi sang tên mới, là CTCP Quản lý Quỹ Toàn Cầu. Tất nhiên, để chính thức chuyển sang giao dịch bằng cái tên mới này, UniCap phải nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trước khi được gọi tắt là UniCap (tên viết tắt: United Capital), đơn vị vừa định giá FLC ở mức 9 tỷ USD thường được biết đến với cái tên tắt là SynCap (viết tắt từ: Vietnam Synergy Capital Fund Management Joint Stock Company).

Việc đổi tên công ty, thực ra, chỉ là một trong rất nhiều thay đổi của UniCap tại phiên đại hội lịch sử diễn ra cách đây khoảng một tháng. Cụ thể hơn, nó là 1 trong 7 nội dung sửa đổi liên quan đến việc điều chỉnh Điều lệ của Công ty.

Song song với việc “thay tên đổi họ”, UniCap cũng “dời đô” sở từ Tp. HCM (50 – 52 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1) ra Hà Nội (Tầng 14, Deaha Business Center, 360 Kim Mã, P. Ngọc Khánh, Q. Ba Đình).

Hơn thế nữa, địa chỉ website, số điện thoại của công ty cũng được thay đổi. UniCap cũng bỏ khỏi điều lệ cả nội dung “cơ cấu góp vốn của các cổ đông sáng lập”, với lý do: Sửa để phù hợp với thực tế cơ cấu cổ đông hiện tại của công ty.

Và tất cả những thay đổi bề ngoài trên vốn đến một sự từ một thay đổi căn bản nhất, đó là chủ sở hữu của công ty.

Chủ sở hữu của UniCap là ai?

Tính đến giữa năm 2017, chi tiết vốn góp của UniCap gồm 12 cổ đông, tất cả đều là thể nhân với tỷ lệ sở hữu ngang ngang nhau: Lê Mỹ Hà (3,6 tỷ đồng - tương đương với 9% VĐL); Trần Thị Thu Nga (9%); Nguyễn Quốc Tiến (8%); Hoàng Việt Duy (8%); Trần Xuân Vũ (6%); Trần Thuận Hòa (9%); Nguyễn Thị Kim Dung (8%); Nguyễn Hưng Long (7%); Nguyễn Hoàng Anh (9%); Trần Đình Hậu (9%); Bùi Thị Quế Thanh (9%); Huỳnh Như Hạnh Nguyên (9%).

So với thời điểm cuối năm 2016, cơ cấu sở hữu trên không thay đổi. Nhưng tính đến trước ĐHCĐ bất thường năm 2017 thì nó đã “thay máu” hoàn toàn, với 12 cổ đông thể nhân mới: Trần Thu Phương (3,2 tỷ đồng – tương đương với 8% VĐL); Nguyễn Thị Thanh Phương (8%); Nguyễn Tiến Tâm (6%); Nguyễn Thanh Ba (9%); Nguyễn Thị Thúy Hà (9%); Vũ Hồng Nhung (8%); Bùi Ngọc Tú (7%); Nguyễn Khánh Tâm (9%); Huỳnh Thị Thu Hương (9%); Bùi Phạm Minh Điệp (9%); Bùi Thị Thanh Dung (9%); Nguyễn Thị Hồng Nhung (9%).

Chính 12 cổ đông mới này, dự kiến cũng là những người sẽ nhận phân phối 6 triệu cổ phiếu phát hành thêm vào Quý III/2017 này của UniCap, để tăng vốn lên 100 tỷ đồng.

Chưa rõ, 12 tân cổ đông của UniCap đã chi bao nhiêu để mua lại 4 triệu cổ phần từ các chủ cũ của công ty. Mức giá này hẳn khó có thể cao, bởi lẽ, tình hình kinh doanh ở UniCap là khá xấu.

Tính đến 30/06/2017, UniCap đang lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng; Vốn điều lệ 40 tỷ đồng nhưng tổng tài sản chỉ có ngót 10 tỷ đồng.

UniCap dường như còn được làm “rỗng ruột” để thuận tiện cho việc chuyển nhượng khi cấu trúc tài sản rất đơn giản, hầu như chỉ được hạch toán vào tài khoản tiền và các khoản tương đương tiền (9,925 tỷ đồng).

Gọi đó là một cái “xác” công ty cũng không quá khiên cưỡng!

Dàn lãnh đạo “thân” FLC

Thượng tầng lãnh đạo UniCap vốn đã được đổi mới triệt để sau ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2017, diễn ra vào ngày 28/7/2017.

Tại HĐQT, UniCap (lúc này vẫn là SynCap) miễn nhiệm toàn bộ 3 nhân sự cũ (Nguyễn Hưng Long – Chủ tịch HĐQT, và 02 thành viên: Lê Mỹ Hà, Trần Xuân Vũ), bầu bổ sung 3 cái tên mới, toàn nữ: Huỳnh Thị Thu Hương – Chủ tịch HĐQT; Trần Thị Thu Phương, Bùi Thị Thanh Dung.

Tại Ban Kiểm soát, miễn nhiệm toàn bộ 3 nhân sự cũ để thay bằng 3 cái tên mới hoàn toàn: Trần Thị Bích Hồng (Trưởng Ban); Bùi Phạm Minh Điệp, Nguyễn Thánh Tâm.

Kế toán trưởng cũng được chuyển từ bà Trần Thị Thu Nga sang ông Nguyễn Thanh Ba.

Đến ĐHĐCĐ bất thường lần 3, diễn ra vào ngày 11/09/2017, thượng tầng lãnh đạo UniCap lại tiếp tục có sự điều chỉnh.

Đại hội miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là bà Trần Thị Thu Phương và và Bùi Thị Thanh Dung; Đồng thời bầu bổ sung 4 nhân sự để thay thế, gồm toàn nam, là: ông Nguyễn Tiến Đức, ông Lưu Đức Quang, ông Bùi Hồng Hải và ông Hoàng Anh Thảo.

Cùng ngày, HĐQT đã bầu ông Nguyễn Tiến Đức thay thế bà Huỳnh Thị Thu Hương làm Chủ tịch HĐQT UniCap.

Đại hội cũng miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban Kiểm soát Công ty đối với ông Bùi Phạm Minh Điệp kể từ ngày 11/09/2017 và bầu ông Nguyễn Tiến Tâm thay thế.

Nên biết rằng, hầu hết các tân lãnh đạo của UniCap đều là chỗ thân quen của Tập đoàn FLC.

Có thể kể đến như Chủ tịch UniCap, ông Nguyễn Tiến Đức. Ông Đức từng là Thành viên HĐQT FLC trong giai đoạn từ 04/2013 - 02/2014. Từ ngày 08/01/2014, ông Đức là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (HoSE: AMD) – một thành viên trong “hệ sinh thái” doanh nghiệp của Tập đoàn FLC.

Thành viên HĐQT UniCap Lưu Đức Quang hiện cũng đang là Thành viên HĐQT FLC. Ông Quang từng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Artex.

Hai thành viên HĐQT khác của UniCap, là bà Huỳnh Thị Thu Hương và ông Hoàng Anh Thảo, những cái tên từng được biết đến trong vai trò Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn FLC.

Trong khi, Công ty TNHH Luật SMIC – đơn vị khởi thủy của ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết – từng có một P.TGĐ mang tên Bùi Hồng Hải.

Sẽ là một hình dung thú vị nếu công ty UniCap vừa đề cập chính là đơn vị đã định giá tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC ở mức 9 tỷ USD./.