Định danh giới chủ BH Media

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được thành lập bởi những cổ đông thế hệ 8x, BH Media nổi lên là một trong những nhà phát triển truyền thông, nội dung số có tiếng tại Việt Nam.
Cơ cấu cổ đông của BH Media

Cơ cấu cổ đông của BH Media

Những tranh cãi xoay quanh việc BH Media nắm giữ bản quyền một loạt tác phẩm âm nhạc như Tiến Quân Ca, Giấc mơ Trưa, Tiếng Trống Mê Linh đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và truyền thông trong nước.

Sự việc cũng khiến nhiều nghệ sĩ và dư luận bức xúc khi sản phẩm trí tuệ cá nhân lại bị một đơn vị khác ngang nhiên thông báo sở hữu, ‘đánh gậy bản quyền’.

Theo tìm hiểu của VietTimes, BH Media đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nội dung số tại Việt Nam, có tên đầy đủ là CTCP Thương mại và Dịch vụ Truyền thông Bihaco.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, BH Media ra đời vào tháng 8/2008, với quy mô vốn điều lệ 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Hải Bình (góp 4 tỉ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hoàng (góp 4 tỉ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ) và bà Nguyễn Thị Huyền Trang (góp 2 tỉ đồng, sở hữu 20% vốn điều lệ).

Khi mới thành lập, BH Media đặt trụ sở chính tại một khu nhà trên đường 337, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ liên lạc của ông Đào Xuân Hoàng (SN 1982) – cựu Tổng Giám đốc của BH Media.

Cập nhật tới tháng 9/2020, BH Media đã tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên 20 tỉ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực quảng cáo. Trong đó, ông Nguyễn Hải Bình (SN 1982) nắm chi phối, với tỉ lệ sở hữu 79,9% vốn điều lệ, đồng thời đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trên trang chủ, BH Media giới thiệu là nhà phát triển cổng thanh toán trực tuyến BHPay, nhằm quản lý tài khoản đồng thời thực hiện chức năng tính cước cho các dịch vụ trực tuyến của công ty và đối tác. Ngoài ra, công ty này cũng cho biết đang sở hữu một mạng xã hội mua sắm khuyến mại và một trang tin điện tử có lượng lớn độc giả nước ngoài.

Ngày 27/10, BH Media đã tổ chức buổi họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" để phản hồi về trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son. Theo đơn vị này, nữ nhạc sĩ đã hiểu lầm về vấn đề bản quyền trên YouTube.

Cụ thể, do bài hát của Giáng Son đưa lên YouTube vào thời gian sau bản "Giấc mơ trưa" của Dương Thuỳ Anh nên hệ thống rà quét bản quyền của YouTube đã phát hiện sự trùng lặp trong giai điệu nên đã gửi "thông báo xác nhận bản quyền" tới nhạc sĩ Giáng Son.

Thông báo này cũng để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền, không ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Sơn. Chỉ cần nữ nhạc sĩ có phản hồi thì chủ sở hữu sẽ gỡ xác nhận bản quyền khỏi video "Giấc mơ trưa".

Phía BH Media cũng cho rằng, nhiều nhạc sĩ chưa hiểu chính xác về tác quyền./.