Tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đang lung lay trước những lập luận sắc bén của đoàn Philippines.
Theo đó, nội dung chính Manila đem đến tòa là các lập luận, bằng chứng nhằm bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh đòi chiếm 80% diện tích Biển Đông, lấn vào chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước từ Việt Nam, Brunei đến Philippines.
Tờ Philstar hôm 26-11 đưa tin, luật sư Andrew Loewenstein của đoàn Philippines đã trình bày trước tòa 8 bản đồ cổ có từ thời nhà Minh, cho thấy khu vực nằm trong “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra chưa từng là lãnh thổ của nước này. Lãnh thổ Trung Quốc ở vị trí cực nam được hiển thị chỉ đến đảo Hải Nam.
Ông Loewenstein cũng đưa ra đoạn video mô phỏng hoạt động nạo vét cát trên Biển Đông của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến môi trường. Số cát ấy được chuyển đến vị trí định trước, để phục vụ việc xây đảo nhân tạo phi pháp mà Bắc Kinh tiến hành ở vùng biển trên. Tại tòa, Manila cũng đưa ra bằng chứng việc Trung Quốc gây áp lực lên các tập đoàn dầu khí đa quốc gia, ngăn không cho hợp tác với các công ty tư nhân của Philippines thăm dò dầu khí trên Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Luật sư Paul Reichler trong đoàn Philippines khẳng định trước tòa: “Các quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông không tồn tại trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS)”.
Bất chấp sự thật lịch sử quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, điều đã được khẳng định bằng nhiều bản đồ, thư tịch, mộc bản cổ..., Trung Quốc nhiều năm qua đã mở rộng quy mô bồi lấp, xây công trình phi pháp trên các bãi đá ngầm thuộc hai quần đảo này.
Với Philippines, “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh cũng lấn vào vùng Biển Tây (cách gọi của nước này đối với một phần Biển Đông). Năm 2012, Bắc Kinh đưa tàu đến cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough - ngư trường truyền thống của nước này và Manila sau đó đã quyết định kiện Trung Quốc ra tòa PCA.
Luật pháp quốc tế - đã trở thành công cụ của các nước văn minh giải quyết tranh chấp với nhau. Thế nhưng Bắc Kinh một mực phản đối việc tham dự phiên tòa PCA, cho rằng cơ quan này không đủ thẩm quyền phân xử. Tuy nhiên, lập luận này đã bị tòa PCA phản bác khi khẳng định Philippines kiện dựa trên các quy định theo UNCLOS mà hai bên đã ký kết và phiên tòa chỉ dựa vào đó để đối chiếu xem đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông có đúng luật không.
Từ Philippines, Charles Jose - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này - cảnh báo: “Việc liên tục từ chối tham gia phiên xử sẽ càng làm uy tín quốc tế của Trung Quốc thêm giảm sút”.
Tham gia phiên tòa PCA xử vụ kiện của Philippines lần này còn có đại diện Việt Nam, Singapore, Úc, Indonesia và Thái Lan ở vị trí quan sát viên.
Theo CATP