Vừa qua, các tàu chiến Trung Quốc đã có hành động vây ép, chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hành động này cho thấy, Trung Quốc luôn thể hiện sự hung hăng, không tuân thủ các quy tắc hành xử trên biển, ngay cả trong giai đoạn họ né tránh, không thừa nhận các kết quả từ phiên tòa quốc tế trong vụ kiện với Philippines.
Vẫn gây hấn ngay trong thời điếm nóng
Ngày 28.11, trong phiên điều trần tại tòa án quốc tế tại La Hague (Hà Lan), Philippines đã tố Trung Quốc tiếp tục gây hấn với tàu của họ. Thông tin này không có gì lạ bởi mới đây nhất, Trung Quốc đã có hành động hung hăng tương tự khi vây ép, chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam cho các hải đăng trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong hai ngày 23 và 24.11, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 tổ chức ở Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các học giả nước ngoài cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng lại ở các hoạt động quân sự hóa, tuyên bố chủ quyền và ngăn cản tự do hàng hải trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định Trung Quốc đang ngụy biện cho các hành động bồi đắp ở Biển Đông, coi thường luật pháp quốc tế - Ảnh: Bảo Vinh |
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc nghiên cứu về Đông Nam Á nói với Thanh Niên: “Trung Quốc vẫn sẽ né tránh các quyết định từ những phiên tòa quốc tế. Vụ kiện của Philippines sẽ không làm thay đổi nhiều về những gì Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông. Thế nên, cần nhiều hơn nữa nỗ lực tương tự từ các nước trong khu vực như Việt Nam để đưa Trung Quốc vào thế phải chấp nhận đàm phán và hành động theo luật pháp quốc tế”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Patrick Cronin, Cố vấn và Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS, Mỹ) cũng khẳng định Trung Quốc “đang tìm cách thay đổi luật lệ của thế giới”.
Chỉ nói chứ không làm
Trong thời gian diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 tại Vũng Tàu, học giả Trung Quốc đã biện minh cho hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Với vụ kiện của Philippines, Tân Hoa xã cũng đăng bài chỉ trích Manila về việc “cố ý cổ súy cho những tranh chấp Biển Đông”, và khẳng định Bắc Kinh chỉ hướng tới việc xây dựng một khu vực ổn định, không tranh chấp, sẵn sàng hợp tác với các bên để đạt được điều này (?).
Trao đổi với Thanh Niên bên lề Hội thảo, Tiến sĩ Patrick Cronin khẳng định Trung Quốc chỉ “nói chứ không làm”.
“Mỹ cũng muốn xây dựng một khu vực hòa bình, tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác lớn với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực nên sẽ giữ quan hệ ấy, nhưng sẽ không tránh được những va chạm về ảnh hưởng khi Trung Quốc muốn thay đổi luật lệ của thế giới”, ông Patrick Cronin nói.
Tiến sĩ Patrick Cronin khẳng định Trung Quốc vẫn chưa thực hiện những gì họ cam kết về hòa bình và ổn định trong khu vực- Ảnh: Nhật Đăng |
Về việc Trung Quốc đối diện với sự chỉ trích từ nhiều phía và có thái độ lảng tránh phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, ông Cronin nói: “Mỹ sẽ giữ sự hiện diện tại khu vực này. Chúng tôi muốn tạo khả năng bảo vệ lãnh thổ của các nước, quyền tự do di chuyển theo luật pháp và tạo nền tảng luật pháp chung để giải quyết tranh chấp. Mỹ sẽ góp phần tạo dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh về mặt pháp lý để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng các nước trong khu vực nên hành động, có tiếng nói như Philippines trong vụ kiện lần này”.
Trong khi vẫn khẳng định Mỹ mong muốn hợp tác với Trung Quốc để cân bằng giữa lợi ích hai bên và duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực, ông Cronin lại bác bỏ đề xuất “quan hệ nước lớn kiểu mới”, điều Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BÌnh từng nói với Mỹ trước đây.
Ông nói: “Điều đó phải được thực hiện bằng hành động, không phải lời nói. Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến điều này, về sự hợp tác, duy trì hòa bình, nhưng hành động lại đi ngược... Họ chỉ nói chứ không làm. Chúng tôi hoan nghênh các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, nhưng nó không thể chỉ được nói bằng miệng”.
Theo Thanh niên