Điều tra viên LHQ lên án hành động “giết người hàng loạt” ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trong hôm 28/3, những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar đã tưởng niệm ít nhất 114 người thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2.
Người biểu tình Myanmar tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp hứng chịu thương vong lớn (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình Myanmar tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp hứng chịu thương vong lớn (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, trẻ em cũng nằm trong số những người thiệt mạng trong sự kiện hôm 27/3, Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar, trong một cuộc đàn áp biểu tình làm dấy lên sự chỉ trích kịch liệt của phương Tây. Điều tra viên của LHQ nói rằng quân đội Myanmar đang thực hiện hành vi “giết người hàng loạt”.

27/3 cũng là ngày chứng kiến các cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc đảo chính, giữa một bên là quân đội và một bên là các nhóm vũ trang người thiểu số đang kiểm soát một phần của đất nước này.

Các chiến đấu cơ của quân đội đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng trong một cuộc đột kích một ngôi làng được kiểm soát bởi nhóm vũ trang người thiểu số Karen, sau khi Liên minh Quốc gia Karen tuyên bố đã chiếm một điểm chốt quân đội gần biên giới Thái Lan, giết hại 10 người. Các cuộc không kích này khiến nhiều dân làng phải tháo chạy vào rừng.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang từng phát biểu trong cuộc diễu binh đánh dấu Ngày Lực lượng Vũ trang rằng quân đội sẽ bảo vệ người dân và hướng đến nền dân chủ.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàn áp biểu tình hôm 27/3 vừa qua, có ít nhất 114 người đã thiệt mạng trên khắp cả nước; theo cổng thông tin Myanmar Now. Trong số này có 40 người – có 1 bé gái 13 tuổi - ở thành phố lớn thứ hai Myanmar, Mandalay. Ít nhất 27 người thiệt mạng ở Yangon. Tổng số thường dân thiệt mạng kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra đến nay đã là hơn 440 người.

Đại sứ Mỹ Thomas Vajda viết trên mạng xã hội: “Tình trạng đổ máu này thật kinh hoàng”, thêm rằng “người dân Myanmar đã nói rất rõ ràng: họ không muốn sống dưới sự cai trị của quân đội”.

Phái đoàn của EU tại Myanmar nói rằng ngày 27/3 vừa qua sẽ “mãi mãi được ghi nhớ như ngày của sự kinh hoàng và ô nhục”.

Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và khoảng hơn một chục người đồng cấp của ông đã cùng lên tiếng chỉ trích các vụ giết hại thường dân của quân đội Myanmar. Tuyên bố của họ nói rằng, một quân đội chuyên nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để hoạt động “và phải chịu trách nhiệm bảo vệ - chứ không phải làm hại – người dân mà họ phục vụ”.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, ông Tom Andrews, nói rằng đây là lúc để thế giới đưa ra hành động – hoặc thông qua Hội đồng Bảo an hoặc thông qua một hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẩn cấp. Ông thêm rằng chính quyền quân sự Myanmar nên bị cắt hết các nguồn vốn, như doanh thu từ dầu khí, và cả quyền tiếp cận vũ khí.

“Những lời chỉ trích hay quan ngại nói thực ra chỉ là trống rỗng đối với người dân Myanmar, trong khi chính quyền quân đội đang thực hiện hành vi giết người hàng loạt nhằm vào họ” – ông Andrews nói trong một tuyên bố - “Người dân Myanmar cần sự hỗ trợ của thế giới. Lời nói là không đủ”.

Quân đội Myanmar từng nói rằng họ lên nắm quyền là bởi kỳ bầu cử tháng 11/2020 mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận, một tuyên bố bị Ủy ban Bầu cử nước này bác bỏ. Bà Suu Kyi hiện vẫn đang bị giam giữ ở một địa điểm bí mật, cũng giống như nhiều quan chức trong đảng của bà.

Theo Reuters