Nóng: Trung Quốc chỉ thị sơ tán nhân viên doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trung Quốc đã yêu cầu các công ty nhà nước của họ sơ tán đội ngũ nhân viên không thiết yếu khỏi Myanmar, sau khi hàng chục công ty của nước này bị tấn công trong làn sóng chống Trung Quốc.
Cột khói bốc lên sau khi nhiều nhà máy của Trung Quốc ở Yangon bị tấn công (Ảnh: AP)
Cột khói bốc lên sau khi nhiều nhà máy của Trung Quốc ở Yangon bị tấn công (Ảnh: AP)

Theo một thông báo được hãng tin SCMP dẫn lại, Hội đồng Quản lý Tài sản thuộc sở hữu nhà nước (Sasac) Trung Quốc đã chỉ thị cho các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động ở Myanmar sơ tán đội ngũ nhân viên đang làm việc trong các dự án đa bị tạm ngừng.

Các đội ngũ nhân viên sẽ được sơ tán khỏi Myanmar bao gồm những người đã hết thời hạn làm việc luân chuyển, nhân công chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhân viên đang sống ở những khu vực sâu xa và những người đang đối mặt với tình hình nguy hiểm ở Myanmar; theo thông báo.

Một nhân viên xây dựng đang làm việc trong một dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar đã xác nhận rằng, ông đã nhận được chỉ đạo từ Sasac – cơ quan quản lý hơn 90 doanh nghiệp nhà nước cấp quốc gia (SOE) ở Trung Quốc.

“Chúng tôi đã nhận được thông báo từ cuối tuần trước, sau khi một số nhà máy mà Trung Quốc đầu tư bị tấn công” – nguồn tin này nói với SCMP – “Trên thực tế, gần như tất cả các dự án ở đây đều bị ngừng. Chúng tôi đang thảo luận về việc ai sẽ ở lại để theo dõi tình hình. Tôi nghĩ rằng phần lớn chúng tôi sẽ về nhà, bởi chả làm được gì nhiều”.

Trong thông báo, Sasac cũng chỉ thị cho tất cả doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar phải diễn tập khẩn cấp, đảm bảo rằng họ có đủ phương tiện giao thông, nhiên liệu, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác trong trường hợp đi sơ tán.

Một nguồn tin khác, một nhân công đang làm việc trong dự án thủy điện, nói rằng ông nhận được chỉ thị và công ty của ông đâng sơ tán “nhân viên không thiết yếu” về Trung Quốc.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi đã sơ tán về Trung Quốc một cách an toàn. Đội ngũ ở lại Myanmar được lệnh ở bên trong khu phức hợp, chỉ ra ngoài lúc mua thức ăn và nước uống” – ông nói – “Tất cả các ngân hàng đều đóng cửa, chúng tôi phải dùng tiền mặt để mua đồ dùng”.

Một phát ngôn viên của Sasac từ chối bình luận về kế hoạch sơ tán.

Chỉ thị sơ tán của Bắc Kinh được đưa ra sau khi 32 nhà máy mà Trung Quốc đầu tư ở khu công nghiệp Yangon, Myanmar bị nhiều nhóm người tấn công và thiêu rụi, gây tổn thất khoảng 240 triệu NDT (37 triệu USD). 2 nhân công Trung Quốc bị thương trong vụ tấn công, theo truyền thông Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triều Lập Kiên trong hôm đầu tuần này không đưa ra bình luận nào về kế hoạch sơ tán công dân ở Myanmar.

Tuy nhiên, ông Triệu nói rằng Myanmar nên “áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn mọi hành động bạo lực, trừng phạt những kẻ gây ra tình trạng bạo lực theo đúng luật pháp và đảm bảo an toàn cho các công ty, nhân sự Trung Quốc ở Myanmar”.

Các vụ tấn công hôm Chủ nhật tuần trước diễn ra cùng ngày mà binh sĩ chính phủ Myanmar xả súng vào những người biểu tình, khiến hơn 39 người thiệt mạng. Đây là một trong số những ngày đẫm máu nhất kể từ sau cuộc đảo chính ngày ½, lật đổ chính quyền dân bầu của bà Aung San Suu Kyi.

Bất chấp tình trạng đổ máu, hàng trăm nghìn người biểu tình Myanmar vẫn tiếp tục tuần hành trên đường phố mỗi ngày, yêu cầu trả loại nền dân chủ. Những người biểu tình cũng vây kín Đại sứ quán TRung Quốc ở Yangon trong những tuần qua, kêu gọi Bắc Kinh lên án vụ đảo chính.

Bắc Kinh từng nói rằng họ không hề biết về âm mưu đảo chính cho đến khi nó xảy ra, và rằng họ không ủng hộ chính quyền quân sự.