Theo thông báo mới nhất của đại diện Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov: Vũ khí chính xác cao, tầm xa của Nga đã tấn công một trung tâm huấn luyện Yavorovsky của quân đội Ukraine. Kết quả là 180 lính đánh thuê cùng với khối lượng lớn vũ khí đã bị tiêu diệt. Chính quyền Kiev đã sử dụng trung tâm này là nơi huấn luyện lực lượng đánh thuê nước ngoài, trước khi đưa họ vào các điểm nóng của Ukraine, đồng thời làm kho tập kết, cất giữ vũ khí, khí tài do các nước phương Tây hỗ trợ.
Thiếu tướng Konashenkov nhấn mạnh: “Lính đánh thuê nước ngoài đến Ukraine sẽ tiếp tục bị tiêu diệt”.
Lịch sử hình thành thao trường Yavorovsky
Ngày 13/2/1940, Hội đồng nhân dân Ukraine (tên gọi hiện nay là chính phủ Ukraine) quyết định di dời những khu dân cư gần Lviv để làm trường bắn pháo binh. Trước khi khu vực phía tây Ukraine sáp nhập với Liên Xô, nơi đây đã từng là thao trường của quân đội Ba Lan.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, thao trường này là trung tâm huấn luyện của quân khu Karpat, quân khu Karpat được thành lập năm 1946. Bộ tư lệnh quân khu đóng ở Lviv. Năm 1974, quân khu Karpat được tặng Huân chương cờ đỏ. Từ đó tên gọi đầy đủ của quân khu là Quân khu cờ đỏ Karpat. Vị trí đóng quân cũng đã nói lên rằng, đây là một trong những đơn vị chủ lực của hệ thống quốc phòng của Liên Xô. Được trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhất, thao trường Yavorovsky là nơi thường xuyên tổ chức hoạt động diễn tập quân sự của quân khu này.
Trung tâm huấn luyện quân sự của Mỹ
Dưới thời Liên Xô, diện tích của thao trường Yavorovsky là 42.000 ha. Khi Ukraine tuyên bố độc lập, diện tích của thao trường rút xuống còn 36.000 ha, tiếp tục được Ukraine sử dụng làm địa điểm tiến hành diễn tập quân sự quốc tế, tổ chức huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình. Từ năm 1995, trong khuôn khổ hợp tác “Đối tác vì hòa bình” của NATO, Ukraine cùng với Mỹ thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự mang tên “Lá chắn hòa bình” tại thao trường Yavorovsky.
Tên gọi hiện nay của thao trường Yavorovsky là Trung tâm an ninh và gìn giữ hòa bình, thuộc Học viện lục quân Ukraine.
Từ năm 2015, tại căn cứ Yavorovsky, quân nhân Ukraine được đội ngũ chuyên gia quân sự Mỹ huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO. Lực lượng này, sau đó được quân đội Ukraine sử dụng vào chiến dịch quân sự ở Donbass.
Năm 2019, cũng tại căn cứ Yavorovsky, đội ngũ chuyên gia quân sự Mỹ đã huấn luyện chiến thuật tác chiến trong đô thị, tác chiến trong các tòa nhà cho quân đội Ukraine.
Theo truyền thông Nga, như vậy, bất chấp Thỏa thuận Minsk, Ukraine đã có những hoạt động chuẩn bị để tiến công Donetsk, Lugansk và nhiều thành phố khác nữa, thậm chí còn công khai rằng Mỹ đã truyền đạt cho họ chiến thuật tác chiến như vậy.
Hiện nay, quân đội Ukraine đã áp dụng những kỹ năng đã được học. Trong các thành phố của Ukraine, họ lấy dân thường làm lá chắn, bố trí, cất giấu vũ khí trong các khu dân cư.
Cơ sở tiếp nhận lính đánh thuê
Ngay từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, căn cứ Yavorovsky đã trở thành cơ sở để tiếp nhận lính đánh thuê quốc tế và làm kho cất giữ vũ khí, đạn dược do phương Tây cung cấp. Chính quyền Kiev tin tưởng rằng đây là nơi an toàn tuyệt đối, không thể bị Nga tấn công.
Thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh Ukraine Alexei Danilov ngộ nhận rằng: hành động tấn công vào căn cứ Yavorovsky coi như là tấn công vào NATO, khi dẫn lời của tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg: “Chỉ cần một viên đạn rơi trúng đoàn xe của NATO, việc này được coi là vi phạm điều khoản số 5 của NATO”.
Thư ký hội đồng an ninh Ukraine đang chăm chú dõi theo phản ứng của NATO, sau đợt tấn công vừa qua của Nga vào căn cứ Yavorovsky, Ukraine.
Trên thực tế, điều khoản số 5 của NATO có nội dung như sau: “Một cuộc tấn công vào một thành viên của khối, được coi là tấn công vào cả khối, và phải gánh chịu những hậu quả tương tự”.
“Cái ô” NATO liệu có thể mang lại sự an toàn tuyệt đối?
Theo tờ New York Times, cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Yavorovsky đã gây sốc cho người dân địa phương và toàn bộ lực lượng đánh thuê quốc tế. Trong số những người được một phóng viên người Mỹ phỏng vấn ngay sát căn cứ, có cựu chủ tịch quốc hội Ukraine Vladimir Litvin, người đã rời bỏ Kiev để tìm kiếm sự an toàn.
Ông Litvin nói: “Mọi người cứ nghĩ rằng ở đây sát biên giới Ba Lan, được NATO bảo vệ, như vậy sẽ được an toàn. Bây giờ tất cả đều hốt hoảng, muốn đi tìm nơi trú ẩn khác. Mọi người bị chi phối bởi ảo tưởng là: tên lửa Patriot có thể ngăn cản mọi vật thể bay tới đây. Bây giờ mọi thứ đều không phải vậy”.
Ukraine muốn lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột bằng những tuyên bố, rằng: “Trong đợt tấn công của Nga, có sĩ quan hướng dẫn Mỹ tử nạn”, nhưng không thành công.
Một bộ phận lính đánh thuê đã suy nghĩ lại
Tờ New York Times cho biết: khi Nga tấn công căn cứ Yavorovsky, lính Mỹ cũng đang có mặt ở đó. Có điều là, lực lượng này không đại diện chính thức cho một tổ chức nào của Hoa Kỳ. Washington đã từng tuyên bố: những công dân Mỹ đó chỉ là lực lượng đánh thuê, họ hành động theo nguyện vọng và sự liều lĩnh cá nhân. Washington sẽ không chịu trách nhiệm về sinh mạng của những con người này.
Theo một số nguồn tin của Ukraine, sau đợt tấn công của Nga tại Yavorovsky, một số lính đánh thuê đã thay đổi kế hoạch, vội vã chia tay Yavorovsky và rời khỏi Ukraine.
Theo AIF