Điều gì ẩn sau những thỏa thuận vaccine của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Trung Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Một số thỏa thuận vaccine mà Trung Quốc đạt được mới đây không chỉ nhằm thúc đẩy ngoại giao vaccine của họ, mà còn nhằm mục đích khác.
Trung Quốc thúc đẩy sản xuất vaccine tự nghiên cứu trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 trên toàn cầu bị hạn chế (Ảnh: QZ)
Trung Quốc thúc đẩy sản xuất vaccine tự nghiên cứu trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 trên toàn cầu bị hạn chế (Ảnh: QZ)

Việc Trung Quốc sản xuất vaccine COVID-19 của Sinopharm ở UAE, và vaccine của Sinovac ở Malaysia và Indonesia, sẽ giúp nước này tăng khả năng sản xuất, cùng lúc tăng cường nỗ lực ngoại giao vaccine.

Công ty nhà nước Sinopharm trong tháng trước đã lập một liên doanh với công ty công nghệ Group 42 có trụ sở tại Abu Dhabi, biến UAE trở thành quốc gia ngoài Trung Quốc đầu tiên sản xuất vaccine của hãng này. Ngày 2/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Malaysia sẽ sớm trở thành quốc gia thứ hai bên ngoài Trung Quốc sản xuất vaccine COVID-19 của Sinovac.

Công ty Bio Farma của Indonesia cũng ký thỏa thuận sản xuất vaccine của Sinovac. Tương tự, tập đoàn dược Pharmaniaga của Malaysia trong tháng 1 năm nay đã ký thỏa thuận mua vaccine từ Sinovac và có nhiều kế hoạch sẽ tự sản xuất trong nước.

Chong Ja Ian – một nhà khoa học phân tích chính trị và là học giả về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại ĐH Quốc gia Singapore – nói rằng việc Trung Quốc thiết lập các dây chuyền sản xuất vaccine COVID-19 ở UAE và Indonesia giúp cho vaccine của Trung Quốc tới gần hơn với “người dùng tiềm năng” ở châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. “Những điều kiện này rõ ràng có thể giúp cho việc thực thi mọi nỗ lực ngoại giao liên quan tới cung ứng vaccine”, ông nói.

Một người đàn ông được tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac tại một bệnh viện ở Malaysia trong tháng 3 năm nay (Ảnh: Xinhua)

Một người đàn ông được tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac tại một bệnh viện ở Malaysia trong tháng 3 năm nay (Ảnh: Xinhua)

Vaccine của Sinopharm và Sinovac nằm trong số 5 chủng vaccine đã được cơ quan quản lý dược Trung Quốc cấp phép sử dụng ở trong nước. Hiện nay, chỉ có một số các quốc gia – trong đó có UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary – đã phê duyệt sử dụng vaccine của Sinopharm, trong khi vaccine của Sinovac đang được tiêm cho người dân ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và một số nước khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang đánh giá dữ liệu về vaccine của cả hai hãng này trước khi công bố khuyến cáo về việc sử dụng chúng. Tính đến nay, vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đã được liệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO, nhưng một số quốc gia đã ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca sau khi cơ quan quản lý dược châu Âu phát hiện có mối liên hệ giữa vaccine của hãng này với chứng tụ huyết.

Việc Trung Quốc thúc đẩy sản xuất vaccine tự nghiên cứu ở trong nước ở các quốc gia đối tác đã giúp họ tự tách khỏi các công ty dược của phương Tây – vốn tập trung vào sản xuất các mũi tiêm ở Mỹ và châu Âu, ngoại trừ một lượng vaccine của AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ và Hàn Quốc.

Nga, trong khi đó, đã cấp phép sản xuất vaccine Sputnik V tại các cơ sở ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và châu Âu.

Alfred Wu – Giáo sư thuộc ĐH Chính sách công Lee Kuan Yu ở Singapore – nói rằng thỏa thuận với UAE là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xích lại gần hơn tới các nước Arab mà trước nay vẫn có quan hệ truyền thống gần gũi với Mỹ.

Điều này cũng cho thấy Bắc Kinh có “tham vọng lớn hơn” trong ngoại giao vaccine so với EU hay các nước xuất khẩu vaccine khác, cùng lúc chỉ ra rằng “Trung Quốc muốn có sự hiện diện và tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, và đây mới chỉ là sự bắt đầu của họ”, ông Wu nói.

Theo thỏa thuận trên, một nhà máy sản xuất vaccine mới sẽ được xây dựng ở Abu Dhabi để sản xuất các mũi tiêm vaccine – có tên gọi là Hayat-Vax – với công suất khoảng 200 triệu liều/năm. Liên doanh giữa Sinopharm và Group 42 cũng đang hợp tác với hãng Gulf Pharmaceutical Industries của tiểu vương quốc Ras el Khaimah để sản xuất vaccine với quy mô nhỏ hơn, khoảng 2 triệu liều/tháng.

Các lọ đựng vaccine COVID-19 của Sinovac trong chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 3 năm nay (Ảnh: AFP)

Các lọ đựng vaccine COVID-19 của Sinovac trong chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 3 năm nay (Ảnh: AFP)

UAE trong tháng 12/2020 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng vaccine COVID-19 của Sinopharm, tuyên bố rằng vaccine này có hiệu quả 86%, mặc dù chính phủ nhiều nước khác còn đang nghi ngờ về dữ liệu thử nghiệm vaccine của hãng. G42 Healthcare, một chi nhánh của Group 42, đã hợp tác với Sinopharm thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 ở UAE.

Động thái mới của Trung Quốc ở Trung Đông xuất hiện trong lúc EU đang thắt chặt những quy định hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19 tới các nước như Australia, và trong khi Viện Huyết thanh Ấn Độ - hãng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới – tạm ngừng xuất khẩu vaccine của AstraZeneca để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tình trạng này khiến Indonesia phải tìm cách mua thêm 100 triệu liều vaccine từ Trung Quốc để bù chỗ thiếu hụt.

Nước đi tăng cường quan hệ với Trung Đông?

Tuy nhiên, thỏa thuận trên không chỉ nhằm phục vụ ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Victor Shih, chuyên gia về kinh tế chính trị thuộc ĐH California ở San Diego, cho hay UAE cũng nhận được lợi ích kinh tế từ thỏa thuận.

“Trung Quốc muốn tham gia vào ngoại giao vaccine và mở rộng tầm với của các tập đoàn dược phẩm trong nước, trong khi UAE muốn đa dạng hóa nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào các hoạt động kinh doanh liên quan tới dầu mỏ” – ông Shih nói – “Vậy nên điều này có lợi cho cả hai bên”.

Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), nói rằng thỏa thuận trên có thể giúp UAE tăng cường lĩnh vực công nghệ sinh hoạc và khởi động ngành công nghiệp vaccine trong nước – nhưng ông cũng cảnh báo rằng một nhà chế tạo vaccine thành công cần có một thị trường ít nhất 100 triệu dân, nhiều hơn số dân của toàn bộ bán đảo Arab.

Đối với ông Chong, chuyên gia phân tích chính trị, thỏa thuận trên cho thấy sự sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc của các nước trong khu vực, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực Trung Đông.

Ông Shih thì cho rằng thỏa thuận này có thể tạo nên một kỷ nguyên mới trong quan hệ gần gũi hơn giữa Trung Quốc và các nước Vùng Vịnh, mặc dù điều đó chỉ xảy ra khi mà các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Trung Đông line tục tăng nhanh – điều khó có thể đảm bảo.

Sự ngờ vực đối với vaccine Trung Quốc

Vận chuyển vaccine của Sinopharm tại sân bay Lebanon (Ảnh: Xinhua)

Vận chuyển vaccine của Sinopharm tại sân bay Lebanon (Ảnh: Xinhua)

Mặc dù thỏa thuận với UAE dường như giúp thúc đẩy nỗ lực ngoại giao vaccine của Trung Quốc, nhưng các nhà quan sát cho rằng vẫn có một trở ngại lớn: sự ngờ vực ngày càng tăng đối với tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc.

“Trong ngắn hạn, giới chính khách ở các quốc gia này vẫn có thể thích sử dụng vaccine phương Tây hơn” – ông Shih nhận định – “Trong trung hạn, các hãng dược Trung Quốc sẽ dần có tầm ảnh hưởng, đặc biệt là nếu họ sản xuất các loại thuốc dành riêng cho thị trường địa phương với giá rẻ. Tuy nhiên, cần có thời gian để họ bắt kịp với ngành công nghiệp dược Ấn Độ trong khu vực”.

Zha Daojiong, Giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Peking, nói rằng để ngoại giao vaccine có hiệu quả, nó cần phải nhắm vào “phân phối (vaccine) tới những cộng đồng có nhu cầu, thay vì vạch ra bức tranh lớn về sự cạnh tranh giữa các nước cung cấp”.

Chỉ ra “những đợt quyên góp vaccine mang tính biểu tượng” của Nga và Trung Quốc – cũng như của các thành viên nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Australi và Nhật Bản nhằm đối phó tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương – ông Kim nói rằng một “trờ chơi lớn” về ngoại giao vaccine đang được bày ra, ngay trong lúc hàng triệu người bị nhiễm và chết do COVID-19.

Vị chuyên gia này cho rằng, những đợt quyên góp vaccine “không dựa trên cơ sở ưu tiên hay nh cầu, và cũng không được cung cấp thông qua cơ chế quốc tế nào, mà dựa trên những lợi ích an ninh địa-chính trị”.

“Nếu như nguồn cung vaccine dồi dào, thì những kiểu quyền lực mềm này còn có thể dung thứ, nhưng trong tình hình khi mà đại dịch tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, các chủng đột biến gây ra nhiều ổ dịch, và nguồn cung ứng vaccine lại hạn chế, thì những thỏa thuận song phương kiểu này không ổn”.